NGƯỜI ĐỌC SÁCH
Trước khi vào chủ đề này, phải đặt ra một câu hỏi trước, như thế nào mới là người đọc sách ?
Mạnh tử nói :" Đọc sách của người ta phải biết con người của người ta. " Nên mình trộm bàn rằng, đọc sách mà biết người, mới gọi là người đọc sách, còn không, chỉ là kẻ lật sách, tìm tài liệu thôi vậy.
Nói khơi khơi thì hơi khó hiểu, đành lấy ví dụ để tường cái ý ra, cho nó thân thiết mà rõ ràng. Trước giờ, hễ nói tới sử tàu, người ta nhắc ngay tới cụm " Sử - Hán " ( Sử ký - Hán thư ), hay " Thiên - Cố " ( Tư Mã Thiên - Ban Cố ). Sử ký của Tư Mã Thiên mở đường cho một thể lệ biên sử - thể liệt truyện, Hán thư của Ban Cố cũng khởi đầu cho một cách chép sử theo triều đại - gọi là đoạn đại sử. Phần chí trong Hán thư cũng vượt xa Tư Mã Thiên về mặt ảnh hưởng trong giới học giả sau này. Về phép chép sử, Tư Mã Thiên - Ban Cố có thể gọi là mỗi người một vẻ, như Phạm Hoa bình rằng :" Sử ký thẳng thắn mà kỹ càng, Hán thư đầy đủ mà tường tận. "
Tuy nhiên, Ban Cố luôn bị đánh giá thấp hơn Tư Mã Thiên, Trịnh Tiều đời Tống trong sách Thông chí có bàn :" Ban Cố là kẻ sĩ phù hoa, bất học vô thuật, chuyên trò ăn cắp." Câu chuyên trò ăn cắp có đúng hay không, hãy khoan bàn tới đã, nhưng chuyện kẻ sĩ phù joa, bất học vô thuật, bị mắng như vậy ắt phải có lí do. Trong Chiêu Minh văn tuyển, Cố có 2 bài phú là bài phú là bài Lưỡng Đô và Thông U, bị nói như thế, cũng không phải là sai.
Còn bất học vô thuật, sẽ nói tới phương diện nào đây. Cái này phải bàn tới vấn đề tư cách, ai đọc Sử ký của Tư Mã Thiên, ắt cũng đã đọc phần Thái Sử Công tự tự, kiêm đọc luôn Báo Nhậm Thiếu Khanh thư. Trong hai thiên văn chương này, Tư Mã Thiên nhiều lần nhắc đi nhắc lại lí do mà ông viết Sử ký, là viết theo lời dặn của cha, lời lẽ rất bi ai cảm động, cha của ông giữ chức Thái Sử lệnh nhà Hán, tôn sùng Đạo gia, ông trái với cha, rất tôn trọng sách Xuân thu và nhà Nho, nhưng khi chép Sử, những ý kiến của Thái Sử Công ông đều chép cả vào sách Sử ký, người xưa nói hiếu không gì bằng lập thân, dương danh cha mẹ mình, đây cũng là cách ông tôn kính cha mình vậy. Sử ký ban đầu có tên là Thái sử công thư, về sau này mới đổi lại thành Sử ký, Thái sử công, tức là Tư Mã Đàm, ý chép thay cho cha mình vậy, nên ông cũng tự xưng mình là "Trâu ngựa của Thái Sử Công là Tư Mã Thiên".
Còn Ban Cố thì sao ? Ban Cố là con của Ban Bưu, cũng thừa tiếp công việc chép Sử của cha mình. Người đời bàn rằng, Bưu trước đó đã chép 65 thiên liệt truyện, sau Cố dựa vào đó để biên soạn Hán thư ( gồm 70 thiên liệt truyện ). Vậy mà, trong thiên Tự truyện của Hán Thư, Ban Cố không hề bàn tới chuyện của cha là Ban Bưu, mặc dù công việc Cố chỉ là việc kế thừa tiếp sự việc của cha. Trong Hán Thư, khi nhắc tới cha mình, Cố chép, xưng hô thẳng là " Tư đồ duyện Ban Bưu ", thử so sánh với Tư Mã Thiên, ai cao ai thấp đây. Kế thừa nghiệp cha, lại toàn bộ mạt sát, Trình Tiều chửi là kẻ sĩ phù hoa, thực cũng chẳng sai.
Có người thắc mắc, tư cách và tu dưỡng thì có liên quan gì đâu ? Có chứ, liên quan nhiều nữa là đằng khác. Phạm Hoa phê bình Cố rằng :" Nghị luận thường bỏ người tử tiết, khinh kẻ chính trực ... khinh nhân nghĩa, tiện tử tiết." Vấn đề này không còn đơn thuần là kỹ thuật hành văn và tự sự nữa, mà liên quan tới vấn đề nhân cách. Nhân cách của sử gia, ảnh hưởng nhiều tới việc chọn lựa tài liệu, đánh giá nhân vât. Xem hết cả bộ Hán thư, đúng là những nhân vật thủ tiết tử nghĩa, bị Ban Cố phê không đáng một đồng, như Vương Lăng, Cấp Ảm, Cố chê là "ngu", so sánh với Sử ký, cao thấp rõ ràng. Nên Phạm Hoa tổng luận là :" Bàn chuyện quốc gia, thì che dấu cái sai của vua, hạ thấp trung thần. Truyền thế giáo, thì quý kẻ nịnh nọt a dua mà khinh tiện người chính trực thẳng thắn. Bàn chuyện thời vụ, chép rõ chuyện từ chương phù hoa mà bỏ qua sự thực." Chê trách đúng là chẳng sai.
Nên, mới nghĩ rằng, đọc sách mà không biết người, thì chưa phải là biết đọc sách. Đọc rồi, biết tác giả tư cách không có rồi, luận sử lại tào lao tầm bậy, lấy chuyện lịch sử mà tuyên dương trò phản trắc, tự do tình dục, lại vịn vào cái lí do được truyền cảm hứng mà tiếp tục đọc, thế gọi là gì ? Mượn lời Ban Cố bình Cấp Ảm, tức là ngu vậy.
________________________
Lời bàn: Bài này của Tiết Chi tiên sinh viết chửi bọn bạch diện thư sinh biết dăm ba chữ mèo què mà vênh mặt lên với đời. So ra bản thân lấy làm hổ thẹn! Hỏ thẹn lắm thay!
Hiểu văn đã khó, hiểu người càng khó hơn!
Trả lờiXóaThan ôi!