Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Chức quan lại thời Tam Quốc

Nguồn từ: Góc khuất sử ký của Nhu To tiên sinh

Tam quốc là cách gọi thời kỳ kế tiếp Đông Hán do ba nước Ngụy, Thục, Ngô mà thành tên. Tam Quốc bắt đầu từ năm 220, nhà Ngụy thay nhà Hán và kết thúc năm 265 khi nhà Tấn thay nhà Ngụy. Tuy vậy, sử gia thường lấy năm 190, khi Đổng Trác ép Hán Hiến đế rời Lạc Dương làm điểm sơ khởi, và lấy năm 280 khi Tấn diệt Ngô làm điểm kết thúc thời Tam Quốc.

1. Đại tướng quân: Bắt đầu đặt ra từ thời Chiến quốc, là phong hiệu cao nhất cho tướng quân. Thời Đông Hán phần đa di quý thích đảm nhậm. Các danh hiệu cụ thể có Kiến uy Đại tương quân, Phiêu kỵ Đại tương quân, Trung quân Đại tương quân, Trấn đông Đại tương quân, Phủ quân Đại tương quân,... trừ Phiêu kỵ Đại tướng quân địa vị dưới Tam công, còn lại đều ở trên Tam công. Thời Tam quốc có bọn Hạ Hầu Đôn, Khương Duy đều làm Đại tướng quân.

2. Đại tư mã: Hán Vũ đế phế Thái úy, đặt chức Đại tư mã. Quang Vũ đế lại đổi Đại tư mã thành Thái úy, nên Đại tư mã tức là Thái úy, chức võ quan cao nhất chưởng quản quân chính và quân phú, tức chức quan tối cao phụ trách quân sự toàn quốc. Thời Đông Hán, Đại tư mã cùng Tư đồ, Tư không hợp xưng là Tam công.

3. Đại tư nông: Thời Tần gọi là Trị túc nội sử, Hán Cảnh để đổi thành Thái nông lệnh, năm Thái Sơ nguyên niên, Hán Vũ đế đổi thành Đại Tư nông. Thời Ngụy sơ lập ra chức Đại nông, năm Hoàng Sơ thứ 2, Ngụy Văn đế đổi thành Đại tư nông; Thục, Ngô cũng đều có chức quan này. Lưỡng Hãn, Đại tư nông chưởng quản tô thuế, tiền bạc, lương thực, muối, sắt cùng thu chi tài chính của quốc gia. Tới thời Tam Quốc, do quyền lực phân tán nên chức quan này chỉ phụ trách vật tư và công việc các loại. Đại tư nông cũng thuộc Cửu khanh.

4. Đại hồng lư: Thời Tần gọi là Điển khách, thời sơ Hán gọi là Đại hành lệnh, năm Thái Sơ nguyên niên thời Hán Vũ đế đổi thành Đại hồng lư, chưởng quản việc tiếp đãi tân khách, là một trong Cửu khanh.

5. Vệ úy: Bắt đầu xuất hiện ở thời Tần. Thời Hán Cảnh đế đổi thành Trung đại phu lệnh, chẳng bao lâu lại trả về nguyên danh. Chức quan này chưởng quản cảnh vệ cung một, là một trong Cửu khanh.

6. Thái úy: Tức Đại tư mã. Tào Phi sau khi đăng cơ bổ Giả Hủ làm Thái úy.

7. Thái phó: Chức quản phò tá nhà vua, là trọng thần tham dự việc triều chính, trưởng quản đại quyền quân chính toàn quốc. Tào Duệ sau khi lên ngôi cho Chung Diêu làm Thái phó.

8. Thái thường: Thời Tần gọi là Phụng thường, năm Trung Nguyên thứ 6 thời Hán Cảnh đế, đổi thành Thái thường, chưởng quản lễ nhạc xã tắc, lễ nghi tông miếu. Thuộc quan gồm Thái sử, Thái chúc, Thái tể, Thái dược, Thái y (lo việc trị bệnh cho bách quan), Thái bốc lục lệnh và Bác sĩ tế tửu. Là một trong Cửu khanh.

9. Thái bộc: Tần và Lưỡng Hán đặt chức Thái bộc, thời Vương Mãng từng có lúc đổi thành Thái ngự, chưởng quản các việc xa, mã, mục súc. Là một trong Cửu khanh.

10. Thái thú: Thời Tần thiết lập chức Quận thú, thời Hán Cảnh đế đổi thành Thái thú, là trưởng quan tối cao của một quận, ngoài những việc trị dân, tiến cử hiền tài, kiện tụng, bắt gian còn có thể tự bổ nhiệm, bãi nhiệm duyện, sử dưới quyền.

11. Thiếu phủ: Thời Tần và Lưỡng Hán đặt chức Thiếu phủ, thời Vương Mãng gọi là Cung công, cùng với Đại tư nông quản lý tiền tài vật phẩm. Đại tư nông quản tiền vật quốc gia, còn Thiếu phủ quản việc cung cấp cho Hoàng đế. Thuộc quan gồm chức quan chưởng quản ngự dụng các thứ giấy, bút, mực gọi là Thủ cung lệnh, chưởng quản đao kiếm, cung nỏ là Thượng phương lệnh, chưởng quản y dược là Ngự phủ lệnh, lo việc trị bệnh trong cung là Thái y lệnh. Thiếu phủ cũng là 1 trong Cửu khanh.

12. Trung thường thị: Được thiết lập thời nhà Tần, tới Đông Hán thì do hoạn quan đảm nhiệm, chưởng quản văn thư và truyền đạt chiếu lệnh, có quyền lực rất lớn.

13. Trung thư giám lệnh: Sau khi Tào Tháo lên làm Ngụy vương, đặt chức Bí thư lệnh để xử lý tấu chương của các thượng thư. Những năm đầu niên hiệu Hoàng Sơ, Tào Phi đổi Bí thư lệnh thành Trung thư lệnh và đặt riêng chức Trung thư giám ngay trên Trung thư lệnh.

14.  Trung lĩnh quân: Sau khi Tào Tháo lên làm Thừa tướng thì đặt chức Lĩnh quân, không lâu sau đổi thành Trung lĩnh quân, chưởng quản Cấm vệ quân.

15. Trung hộ quân: Sau khi Tào Tháo lên làm Thừa tướng thì đặt chức Hộ quân, không lâu sau đổi thành Trung hộ quân, chưởng quản Cấm vệ quân, địa vị hơi thấp hơn so với Trung lĩnh quân.

16. Trưởng sử: Được lập ra từ thời Tần, tới thời Tây Hán, dưới trướng Thừa tướng có hai Trưởng sử, chức vụ tương đương Bí thư trưởng, chủ quản sự vụ trong cơ quan tối cao lo việc quốc gia. Trong mạc phủ của tướng quân cũng có chức Trưởng sử, tức người đứng đầu mạc liêu (ban phụ tá), nếu được quyền ra lệnh cho binh lính xuấ chiến thì gọi là Tương binh trưởng sử. Thời Đông Hán, các phủ Thái úy, Tư không, Tư đồ đều thiết lập chức Trưởng sử, tránh nhiệm rất lớn. Sang thời Tam quốc cũng không có gì thay đổi.

17. Tòng sự: Các quan phụ giúp Thứ sử như Biệt giá, Trị trung, Chủ bạ, Công tào đều xưng là Tòng sự.

18. Thương tào duyện / thuộc: là các quan viên chủ quản lúa gạo ngũ cốc. Chánh quan là duyện, phó quan là thuộc.

19. Tư đồ: Được đặt ra từ thời Tây Chu, tới thời Đông Hán được giao chưởng quản việc giáo hóa, là một trong Tam công.

20. Tư không: Được đặt ra từ thời Tây Chu, tới thời Đông Hán được giao chưởng quản thủy thổ và xây dựng, là một trong Tam công.
21. Tư lệ hiệu úy: Thiết lập thời Hán Vũ đế, phụ trách việc quản lý tù đồ, nô lệ ở kinh thành, xử lý, tra xét kẻ gian cùng tội phạm, gọi tắt là Tư lệ. Khi Lưu Bị xưng đế ở Thục từng cho Trương Phi làm Tư lệ hiệu úy.

22. Tư kim trung lang tướng: Năm Kiến An thứ 10, Tào Tháo lập chức quan này, phụ trách việc luyện kim, đúc tiền và nông cụ.

23. Chủ bạ: Được thiết lập thời Hán, quản lý văn thư, sách vở. Trong phủ Tư không, phủ Thừa tướng và Thứ sử đều có chức quan này.

24. Công tào: Chức quan phụ tá cho Thứ sử, quản lý việc khảo sát, ghi chép công lao.

25. Đông / Tây tào duyện / thuộc: Sau khi Tào Tháo làm Thừa tướng, lập ra Đông tào và Tây tào phụ trách về nhân sự. Đông tào quản lý việc bổ, miễn nhiệm hàng quan viên hai ngàn thạch, Tây tào quản lý việc bổ, miễn nhiệm quan viên trong tướng phủ. Viên chính gọi là duyện, viên phó gọi là thuộc.

26. Thừa tướng: Thiết lập thời Chiến Quốc, là chức quan đứng đầu bách quan. Thời Đông Hán không lập chức Thừa tướng, đến năm Kiến An thứ 13 mới thiết lập lại, do Tào Tháo tự lĩnh nhậm. Chữ Thừa () thông với Thừa (), Thừa tướng là người thừa lệnh vua xử lý việc quốc gia.

27. Thừa tướng lý tào duyện: Chức quan quản lý tư pháp trong phủ Thừa tướng.

28. Quang lộc huân: Thời Tần gọi là Lang trung lệnh, Hán Vũ đế đổi thành Quang lộc huân. Thời Vương Mãng gọi là Tư trung, Đông Hán lại gọi là Quang lộc huân. Tào Tháo sau khi làm Ngụy công lập chức Lang trung lệnh, tới năm Hoàng Sơ nguyên niên lại gọi là Quang lộc huân. Chức quan này chưởng quản việc canh gác môn hộ cung điện. Thuộc quan của Quang lộc huân có viên quan phụ trách việc tiếp đãi tân khách gọi là Yết giả, phụ trách ngự xa của vua gọi là Phụng xa đô úy, quản lý xe tùy tùng và ngựa gọi là Phụ mã đô úy, quản lý Vũ lâm kị gọi là Kỵ đô úy. Còn các chức Đại phu, Trung lang tướng có phải thuộc quan của Quang lộc huân hay không thì còn tranh biện. Quang lộc huân là một trong Cử khanh.

29. Chấp kim ngô: Thời Tần gọi là Trung úy, Hán Vũ đế đổi thành Chấp kim ngô. Vương Mãng gọi là Phấn vũ, tới Đông Hán lại gọi là Chấp kim ngô. Thời Tào Ngụy ban đầu gọi là Trung úy, năm Hoàng Sơ nguyên niên đổi thành Chấp kim ngô. Chức quan này chưởng quản việc tuần vệ ngoài cung (Vệ úy tuần vệ trong cung) và tuần tra kinh thành. Khi Thiên tử xuất hành, Chấp câp ngô phải đi trước.

30. Biệt giá: viên lại của Thứ sử, khi Thứ sử đi tuần hành thị sát, Biệt giá ngồi ở cỗ xe khác mà theo phụ trợ Thứ sử, do vậy gọi là Biệt giá (ngồi xe khác).

31. Đình úy: Thiết lập từ thời Tần, Hán Cảnh đế đổi tên thành Đại lý, từ đó về sau hoặc gọi là Đình úy hoặc gọi là Đại lý. Đình úy chưởng quản hình pháp, ngục, tụng, là cơ quan tư pháp tối cao. Chữ Đình hàm nghĩa thẳng thắn mà công bằng, việc ngục tụng quý ở chỗ đó, nên có tên gọi là vậy. Thuộc quan của Đình úy có Đại lý chính, Đại lý bình, Đại lý giám, gọi là Đình úy tam quan. Đình úy là một trong Cửu khanh.

32. Huyện lệnh / trưởng: Được lập ra từ thời Xuân thu, Chiến quốc, là chức trưởng quan phụ trách hành chính của một huyện. Trưởng quan của một huyện dưới 1 vạn nhân khẩu gọi là Huyện lệnh, trên 1 vạn gọi là Huyện trưởng. Phụ tá cho Huyện lệnh / trưởng có Huyện úy phụ trách quân sự, trị an; Huyện thừa phụ trách văn thư, kho tàng, tù ngục. Mỗi huyện có 1 Huyện thừa, Huyện úy; huyện lớn có thể có 2 hoặc nhiều hơn chức Huyện úy.

33. Thượng thư: Thượng nghĩa là chấp chưởng. Thời Tần, Hán, Thượng thư chỉ là thuộc quan của Thiếu phủ, chưởng quản văn thư trong điện, địa vị rất thấp. Thời Hán Vũ đế lập 5 chức Thượng thư, chia ra các cơ quan (tào) mà làm. Do làm việc ở gần Hoàng đế nên địa vị dần dần trở nên trọng yếu. Thời Tào Ngụy có Lại bộ, Tả dân, Khách tào, Ngũ binh, Độ chi, tổng cộng 5 tào Thượng thư. Lại bộ cũng gọi là Tuyển bộ, chưởng quản việc tuyển dụng quan lại; Tả dân chưởng quản việc sửa chữa xây dựng, muối, ao hồ, vườn tược; Khách tào chưởng quản công việc liên quan tới các dân tộc thiểu số và ngoại quốc; Ngũ binh chưởng quản trung binh, ngoại binh, kỵ binh, biệt binh, đô binh; Độ chi chưởng quản kế hoạch quân sự quốc gia. Trong 5 chức này, Thượng thư Lại bộ là quan trọng nhất.
Chú:
Trung binh: chỉ binh lính thuộc phụ cận kinh đô (kỳ). Về sau chỉ chung binh lính kinh và kỳ.
Ngoại binh: lại phân ra tả, hữu. Tả ngoại là Hà Nam và các châu từ Đồng Quan trở về phía đông. Hữu ngoại là Hà Bắc và các châu từ Đồng Quan trở về phía tây.
Biệt binh: chỉ các chi binh lính dân tộc thiểu số như Hồ kỵ, Việt kỵ...
Đô binh: chỉ binh lính thuộc kinh đô.

34. Thượng thư lệnh: Thiết lập thời nhà Tần, là chức trưởng quan của Thượng thư đài, trực thuộc Hoàng đế phụ trách, chưởng quản tất cả chính lệnh trung ương. Cấp phó của Thượng thư lệnh là Thượng thư bộc xạ. Tào Ngụy thiết lập Thượng thư bộc xạ 1 hoặc 2 người. Nếu là 2 người thì gọi là Tả hữu bộc xạ. Nếu chức Thượng thư lệnh bị khuyết, thì Tả bộc xạ sẽ thế chỗ mà làm việc. Tào Ngụy gọi Thượng thư 5 tào, 1 lệnh, 2 bộc xạ là Bát tọa.

35. Thượng thư lang: là chức quan trong Thượng thự đài phụ trách soạn thảo văn thư. Thời Đông Hán tuyển Hiếu liêm chọn người có tài năng vào Thượng thư đài. Hết 1 năm gọi là Thượng thư lang, 3 năm gọi là Thị lang.

36. Thị trung: Thiết lập từ thời Tần, là thuộc quan của Thừa tướng, quản lý việc bổ túc thiếu sót, tán đạo (tán xướng dẫn đạo trong điển lễ), bồi thừa (vị trí tùy tòng trên xe), khi ra ngoài thì phụ giúp và coi sóc việc sinh hoạt thường nhật của Hoàng đế.

37. Tông chính: Thiết lập từ thời Tần, thời Vương Mãng gọi là Tông bá, sang Đông Hán lại gọi là Tông chính, chưởng quản sự vụ trong Hoàng tộc và ngoại thích. Thời Lưỡng Hán do người trong tông thất họ Lưu đảm nhậm. Là một trong Cửu khanh.

38. Chinh đông tướng quân: Thống lĩnh 4 châu Thanh, Duyện, Từ, Dương, đóng đồn tại Dương Châu.

39. Chinh nam tướng quân:  Thống lĩnh 2 châu Kinh, Dự, đóng đồn tại Tân Dã.

40. Chinh tây tướng quân: Thống lĩnh 2 châu Ung, Lương, đóng đồn tại Trường An.

41. Chinh bắc tương quân:  Thống lĩnh 3 châu U, Ký, Tịnh, đóng đồn tại Kế Châu.
42. Thứ sử: Thiết lập thời nhà Tần, chưởng quản đại quyền quân, chính một châu. Thứ: kiểm, báo những việc phạm pháp; sử: do Hoàng đế sai sử.
Chú: Quyền lực là nói chức Thứ sử thời Hán mạt, Tam quốc, nghĩa tên là giải theo Tần, Hán.

43. Trị trung: chức lại phụ tá Thứ sử. Thời cổ, văn thư sổ sách gọi là Trung, Trị trung nghĩa là nghĩa quản lý văn thư, tài liệu, về sau dần trở thành một loại chức danh cố định.

44. Tham quân: Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo lấy chức Thừa tướng tổng quản việc quân, chính. Do vậy thuộc quan thường có chức danh Tham Thừa tướng quân sự, tức Tham mưu quân vụ, gọi tắt là Tham quân.

45. Hà Nam doãn: Đông Hán định độ ở huyện Lạc Dương, quận Hà Nam. Để đề cao địa vị của Hà Nam, trưởng quan của quận không xưng là Thái thú mà gọi là Doãn, chưởng quản 21 huyện phụ cận Lạc Dương.

46. Điển nông trung lang tương: Cuối thời nhà Hán, Tào Tháo lập chức Điển nông trung lang tướng cùng Điển nông hiệu úy, cùng chưởng quản việc sản xuất nông nghiệp, dân chính và thuế ruộng. Tương đối biệt lập với các quan cai trị quận, quốc. Chức quyền tương đương với Thái thú.

47. Thành môn hiệu úy: Thiết lập từ thời Tây Hán, chưởng quản việc đóng quân tại cửa ngõ kinh sư.

48. Tướng quốc: Tức Thừa tướng.

49. Tướng tác đại thần: Thời Tần gọi là Tướng tác thiếu phủ. Hán Cảnh đế đổi tên thành Tướng tác đại thần. Chưởng quản việc kiến thiết xây dựng cung thất, tông miếu, lộ tẩm, lăng viên.

50. Cấp sự trung: Thiết lập thời nhà Tần, Tây Hán giữ nguyên, Đông Hán lược bỏ, tới thời Tào Ngụy lại phục hồi. Là chức quan kiêm nhiệm của Tướng quân, Liệt hầu, Cửu khanh, Hoàng môn lang, Yết giả.

51. Đô đốc: Thời Tam Quốc bắt đầu lập chức Đô đốc và Đại đô đốc, là chức quan thống lĩnh quân binh, trong đó Đại đô đốc là thống soái quân sự tối cao.

52. Hiệu sự: Thời Tào Tháo lập chức tiểu lại này, phụ trách việc dò xét những tội nhỏ của quần thần.

53. Giám dã yết giả: Thiết lập ở thời Tào Ngụy, là chức quan chuyên quản việc luyện kim.

54. Ngự sử đại phu: Chưởng quản việc đàn hặc, duy trì trật tự các quan viên, địa vị gần ngay dưới Thừa tướng.

55. Ngự sử trung thừa: phó thủ của Ngự sử đại phu.

56. Hoàng môn thị lang: Thời Tần, Hán, cung môn (cửa) đều màu vàng nên gọi là Hoàng môn. Hoàng môn thị lang là chức quan làm việc trong cung nên có tên gọi ấy.

57. Tán kỵ thường thị: Thiết lập thời Tào Ngụy, tức hợp nhất của chức Tán kỵ thời Hán (quân kỵ tùy tùng Hoàng đế) và Trung thường thị. Thường ở bên cạnh Hoàng đế để can ngăn, khuyên bảo mỗi khi gặp lỗi.
Chú: Tên Tán kỵ thường thị này có từ thời Đông Hán, do hoạn quan đảm nhậm, ko phải chức quan. Sang thời Ngụy, Tào Phi đổi lại thành chức quan, do sĩ nhân đảm nhiệm. Tào có Tưởng Tế, Thục có Đổng Quyết từng làm chức này.

58. Đốc quân: Chức trưởng quan thống binh cao cấp, đại vị ở dới Tướng quốc, Thái úy, Ngự sử đại phu.

59. Đốc bưu: Thời Hán, các quận lập chức Đốc bưu, chưởng quản việc đôn đốc, sửa chữa các việc phạm pháp tại các huyện, hương mình quản lý, kiểm quản việc truyền đạt các sắc lệnh, kiện tụng, hình ngục, truy bắt kẻ đào vong.

60. An nam tướng quân: Một trong tứ an tướng quân, thời Ngụy là quan tam phẩm, chưởng quản việc chinh phạt.

61. An đông tướng quân: Một trong tứ an tướng quân, chưởng quản việc quân sự, hàm tam phẩm. Nhà Ngụy, Ngô có lập, Thục thì không.
Chú: Dẫu nhắc tới tứ an nhưng thời Tam quốc không thấy lập ra chức An tây và An bắc tướng quân.
62. An viễn tướng quân: Một trong các tạp hiệu tướng quân thời Tam quốc
Chú: Vu Cấm nhà Ngụy, Mã Tốc nhà Thục từng được phong danh hiệu này.

63. Binh tào duyện: là chức lại thuộc phủ Thái úy thời Đông Hán, chủ việc binh, trật 300 thạch. Sang thời Tào Ngụy vẫn duy trì, tại phủ Thừa tướng và phủ Đại tướng quân có lập một chức Binh tào duyện, hàm thất phẩm, trật 300 thạch.

64. Bộ binh hiệu úy: Thời Hán Vũ đế lập tám Hiệu úy quản lĩnh Bắc quân, Bộ binh hiệu úy là một trong số đó, trật dưới hai ngàn thạch, chưởng quản đồn binh ở Lâm Uyển môn. Thời Đông Hán vẫn giữ nguyên, thời Tam Quốc cũng vậy, là một trong những chức quan nắm cấm quân của thiên tử.
Chú: Trật dưới hai ngàn thạch (bỉ nhị thiên thạch) là trật thấp hơn trật hai ngàn thạch, được ban ấn bạc thao xanh.

65. Phiêu kỵ tướng quân: Đặt ra thời Hán Vũ đế, do Hoắc Khứ Bệnh đảm nhậm, trật ngang với Đại tướng quân, dùng ấn vàng dây thao tía, địa vị ngang với Tam công. Thời Tam quốc cũng đặt chức quan này.

66. Biệt giá tòng sự: tức Biệt giá tòng sự sử. Theo Hán chế, là chức cầm đầu các thuộc lại của Thứ sử. Bởi khi theo Thứ sử ra ngoài tuần hành thì ngồi xe chuyên dụng khác nên gọi là Biệt giá, thời Tam quốc cũng có chức này.
Chú: có lẽ cũng chính là chức Biệt giá.

67. Biệt bộ tư mã: theo Hán chế, thuộc quan của Đại tướng quân có chức Tư mã, trật dưới ngàn thạch. Trong đó được lĩnh riêng một doanh thì gọi là Biệt bộ tư mã, số lượng binh sĩ dưới quyền không cố định.

68. Tòng sự trung lang: Thời Hán, Ngụy, phủ Tam công và phủ Tướng quân đều lập chức Tòng sự trung lang, làm nhiệm vụ tham mưu bàn luận, địa vị dưới Trưởng sử và Tư mã.

69. Tòng sự tế tửu: Thời Tam Quốc, nhà Thục lập chức quan này, là thuộc quan của Châu mục. Chức trưởng trong các tòng sự thì gọi là Tế tửu.

70. Xa kỵ tướng quân: Theo Hán chế, địa vị ở dưới Đại tướng quân và Phiêu kỵ tướng quân, được ban ấn vàng thao tía, ngang với Thượng khanh hoặc bằng Tam công. Nắm quân bảo vệ kinh sư, chưởng quản việc bảo vệ hoàng cung. Hàm nhị phẩm.
81. Đốc quân hiệu úy: Thời Tam Quốc, nước Ngô lập chức này. Chức hiệu úy thấp hơn Tướng quân và Trung lang tướng.

82. Đốc quân tòng sự: các thuộc quan của Thứ sử, Châu mục thường được gọi là Tòng sự sử, chia ra để quản các việc. Cuối thời Đông Hán, lập nhiều chức Tòng sự sử chủ về mặt quân sự.

83. Đô đốc: Tướng lĩnh được cầm quân hoặc chức trưởng quan chủ quản quân, chính một địa phương. Các quận biên giới của Thục đều lập chức Đô đốc đóng quân phòng giữ.

84. Để các đốc: Để các là nơi tích trữ lương thực, đốc là người trưởng quản sĩ tốt đóng đồn phòng giữ.

85. Điển học tòng sự: theo Hán chế, dưới quyền Tư lệ hiệu úy và Thứ sử các châu, có đặt vài người làm Tòng sự sử, chia thành các ty làm việc của châu. Tại Ích Châu của Thục lập chức Điển học tòng sự, tổng quản việc học hành trong một châu.

86. Điển tào đô úy: nước Thục đặt chức này. Sau khi Lưu Bị bình định đất Thục, biết mối lợi của muối sắt nên đặt chức Thiết Diêm phủ hiệu úy, lại đặt Điển tào đô úy dưới quyền, quản lý việc cung cấp quân lương.

87. Đô úy: có rất nhiều quan danh Đô úy, phần đa là các võ quan chủ về việc binh. Chức Đô úy tại các quận, quốc, chủ quản việc binh.

88. Đô hộ: Thời Hán Tuyên đế, lập ra Lưỡng Vực đô hộ, là chức kiêm quan. Thời Quang Vũ đế Đông Hán, lập chức Đô hộ tướng quân. Đến thời Tam Quốc, nhà Ngụy tiếp tục đặt chức này. Nhà Thục có danh hiệu Trung đô hộ, Hành đô hộ, chức quyền như Đại đô đốc, tổng lĩnh việc quân sự trong ngoài. Ngô lập chức Tả, Hữu đô hộ, cai quản hết các quân.

89. Phấn uy hiệu úy: Hiệu úy là chức võ quan dưới Tướng quân. Có nhiều loại danh hiệu, Phấn uy hiệu úy chỉ có nhà Ngô thời Tam quốc đặt.

90. Phấn vũ hiệu úy: Địa vị dưới Tướng quân. Thời Tam Quốc có nhiều danh hiệu Hiệu úy, chức trách không giống nhau. Phấn vũ hiệu úy chỉ có nhà Ngô đặt ra, Lỗ Túc từng đảm nhậm chức này.
91. Phấn vũ tương quân: Thời Hán mạt, Tào Tháo và Lã Bố từng đảm nhiệm chức này. Thời Tam Quốc, nhà Ngụy và Ngô đều lập, nhưng không thấy có ở nhà Thục.

92. Phấn uy tướng quân: Được lập ở thời Tây Hán. Thời Tam Quốc cũng có, hàm tứ phẩm.

93. Phù tiết lệnh: Thời Tần, Hán đặt chức quan này, thuộc Thiếu phủ, chưởng quản phù tiết. Nhà Ngụy lập chức Phù tiết lệnh, lại thành một đài riêng, địa vị dưới Ngự sử trung thừa. Chức lệnh một người, trật sáu trăm thạch, hàm ngũ phẩm. Chưởng quản tiết, hổ phù, trúc sử phù. Ngô, Thục cùng có chức này.

94. Phụng thượng: Thượng tức Thường, tức chức Phụng thường (Thái thường).

95. Phụng xa đô úy: Thời Hán Vũ đế lập ba chức đô úy: Phụng xa, Phụ mã, Kỵ, đều trật dưới hai ngàn thạch. Phụng xa đô úy chưởng quản xe ngựa của vua. Thời Ngụy mang hàm lục phẩm, trật dưới hai ngàn thạch.

96. Phụ quốc đại tướng quân: Cuối thời Hán lập ra chức tướng quân cao cấp này, địa vị cao hơn Tứ trấn đại tướng quân.

97. Phụ quốc tướng quân: Thời Hán Hiến đế, Phục Hoàn đảm nhậm chức này. Sang thời Tam quốc cũng có chức danh này.

98. Quan nội hầu: Lập thời Tần. Là cấp bậc thứ 19 trong các tước, dưới Liệt hầu. Có hiệu nhưng không có quốc, ấp (đất phong).

99. Quang lộc đại phu: Thời Tần, thuộc quan của Lang trung lệnh có chức Trung đại phu, thời Hán đổi thành Quang lộc đại phu, trật dưới hai ngàn thạch. Thời Ngụy mang hàm tam phẩm, địa vị dưới Tam công. Cương vị không cố định, tương tự như cố vấn. Tam công cáo lão và trọng thần trong triều thường được phong chức quan này để tỏ ra người quan trọng.

100. Hoành giang tướng quân: Thời Tam Quốc chỉ có Ngô đặt chức này. Lấy Lỗ Túc đảm nhậm, trấn thủ các địa phận ven sông. Chức phận là hoành tảo (càn quét) quân địch xâm phạm, nên có tên quan chức này.
101. Hoàng môn thừa: Thuộc quan của Thiếu phủ thời Tây Hán có chức này, Đông Hán cũng vậy. Phụ tá cho Hoàng môn lệnh có Thừa và Tòng thừa mỗi chức một người.

102. Hoàng môn lệnh: Thuộc quan của Thiếu phủ thời Tây Hán có chức này, Đông Hán cũng vậy. Trật sáu trăm thạch, do hoạn quan sung chức, chủ trì việc coi xét các hoạn quan.

103. Hộ quân: Thời Tần lập chức Hộ quân đô úy. Thời Hán sơ gọi là Hộ quân trung úy. Thời Vũ đế lập Hộ quân tướng quân. Danh hiệu hộ quân có khi để gọi tắt Thuân quân tướng quân hoặc Trung hộ quân.

104. Hộ quân tướng quân: Thời Tần lập chức Hộ quân đô úy, Hán cũng vậy, Trần Bình từng nhậm chức này, cai quản hết các tướng. Thời Hán Vũ đế thì dưới quyền Đại tư mã. Năm Kiến An thứ 12 đổi Hộ quân thành Trung hộ quân. Thời Ngụy cũng đặt chức Hộ quân, chủa quản việc tuyển võ quan và lĩnh quân. Tư cách lớn thì làm Hộ quân tướng quân, nhỏ thì làm Trung hộ quân.

105. Hầu tướng: tức tướng của phong quốc của Liệt hầu, chủ trì việc dân sự, như Huyện lệnh, Huyện trưởng.

106. Hậu điển quân: Thời Tam Quốc, nhà Thục lập chức Điển quân dưới quyền Giám quân, phân ra tiền, hậu, trung ba chức Điển quân. Nhà Ngô cũng đặt, phân làm tả, hữu, trung.

107. Hậu tướng quân: Thời Đông Hán có rất nhiều tạp hiệu tướng quân, lấy tiền, hậu, tả, hữu làm tên. Thời Ngụy là hàm tam phẩm.

108. Hổ uy tướng quân: Một trong các tạp hiệu tướng quân thời Tam Quốc. Ngụy, Ngô đều đặt chức này.

109. Hổ bôn trung lang tướng: Theo Chu lễ - Hạ quan có Hổ bôn thị, chưởng quản nghi vệ khi vua xuất nhập. Năm Nguyên Thủy nguyên niên thời Hán Bình đế, đổi thành Hổ bôn lang, đặt chức Trung lang tướng thống lĩnh. Trật dưới hai ngàn thạch.

110. Kiến vũ trung lang tướng: Thời Tam Quốc, nhà Ngô đặt chức này, Hồ Tống từng nhậm.
Chú: Hồ Tống không thấy xuất hiện trong Diễn nghĩa, nhưng có vai trò khá quan trọng bên Ngô. Tống trước là môn hạ của Tôn Sách, từng cùng học với Tôn Quyền. Khi Tôn Quyền xưng vương, cho Tống làm thưởng tước đình hầu, sau Quyền xưng đế, Tống đc thăng Đô hương hầu, quản lý việc chấp pháp, hình ngục của Ngô, cùng việc cáo văn, sách phong và thư từ gửi lân quốc.
111. Kim tào tòng sự: Thời Tam Quốc, nhà Ngô đặt chức này. Nhà Ngụy đặt Kim tào duyện, quản lý các việc tiền bạc, hàng hóa, muối, sắt. Chức Kim tào tòng sự của Ngô, từng do Hồ Tống đảm nhậm.

112. Kiến vũ tướng quân: Nhà Tào Ngụy đặt chức này, hàm ngũ phẩm.

113. Kiến uy tướng quân: Nhà Tào Ngụy đặt chức này, hàm tứ phẩm. Ngô, Thục cũng đặt.

114. Giám nông ngự sử: là thuộc quan của Ngự sử trung thừa. Thời Tần đặt chức Ngự sử đại phu, Hán cũng vậy. Trung thừa là một trong hai thừa. Sau Ngự sử đại phu chuyển thành Tư không, Ngự sử trung thừa trở thành chưởng quan tại Ngự sử đài. Các ngự sử tại Ngự sử đài có tên gọi khác nhau, chia ra làm việc. Giám nông ngự sử là một trong số đó. Thời Tam Quốc, Ngô đặt chức quan này, Ngụy, Thục không thấy.

115. Giám quân: Có từ thời Xuân Thu, đến Tam Quốc cũng đặt. Thường không cố định mà tùy việc mới đặt chức. Các châu không đặt chức Đô đốc thì đặt chức quan này. khi Tướng quân lĩnh binh xuất quân, phần đa có kèm Giám quân.

116. Ký thất: Thời Đông Hán, các vương, Tam công và Đại tướng quân đều lập chức Ký thất lệnh sử, chưởng quản biểu, chương, thư, ký, văn, hịch.

117. Gia lệnh: Là thuộc quan của Thái tử. Nhà Tần lập, thời Ngụy đặt hàm ngũ phẩm, trật ngàn thạch, quản việc kho lẫm, ẩm thực (của Thái tử), chức trách tựa như Tư nông, Thiếu phủ.

118. Quân sư: Thời Tam Quốc, các nước đều lập chức quan Quân sư, tham dự, chủ trì các việc bàn bạc việc quân.

119. Quân tế tửu: Tức Quân sư tế tửu. Trần Thọ khi soạn Tam quốc chí, vì húy tên Tư mã sư nên đổi thành Quân tế tửu. Thời Ngụy là hàm ngũ phẩm.

120. Quân nghị hiệu úy: là chức quan tham nghị việc quân cơ.
--
Hình: Kiến uy tướng quân Giả Quỳ. xưa đọc Diễn nghĩa tới đoạn Chu Phường cắt tóc lừa Tào Hưu, bỗng đâu thấy ngang trời xuất thế một Giả Quỳ, bụng bảo dạ chắc là con Giả Hủ. sau mới biết là nhầm, mà công trạng lớn nhất của Quỳ không phải ở trận chiến với Đông Ngô mà chính là khi Tào Tháo mất, Tào Chương dẫn mười vạn tinh binh về tính tranh đoạt ngôi vị, Giả Quỳ bấy giờ là Gián nghị đại phu, dám trỏ mặt Chương mà răn: "Nhà có con trưởng, nước có vua kế tự, tỉ thụ của tiên vương, ông không có phép hỏi được." trước trẻ trâu đọc mà ko lưu tâm, sau mới thấy là con người phi thường mới làm đc những việc phi thường.

121. Gián nghị đại phu: Thời nhà Tần, thuộc quan của Lang trung lệnh có chức Đại phu, chưởng quản việc bàn thảo, cố vấn, ứng đối. Đời Hán Vũ đế lập chức Gián đại phu, sang Đông Hán đổi thành Gián nghị đại phu, trật dưới sáu trăm thạch. Ngụy, Thục đều có chức này, Ngô thì không thấy.

122. Lập vũ trung lang tướng: Nhà Ngô thời Tam Quốc có chức này, Bộ Chất từng đảm nhậm.

123. Lập tiết trung lang tướng: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt chức này. Lục Kháng từng đảm nhậm.

124. Lĩnh quân: Là cách gọi tắt cửa Thị trung lĩnh quân hoặc Lĩnh quân tướng quân. Tào Tháo khi làm Thừa tướng đặt chức này, chưởng quản cấm binh.

125. Lĩnh quân tướng quân: các chức Lĩnh quân, trọng thì làm Lĩnh quân tướng quân, khinh thì làm Trung lĩnh quân. Chưởng quản cấm binh.

126. Liệt hầu: Là tước vị. Tần Hán ban thưởng tước 20 bậc cho người có công, cao nhất gọi là Triệt hầu. Đời sau vì tị húy Hán Vũ đế nên đổi là Thông hầu. Sau lại đổi thành Liệt hầu. Được ban ấn vàng thao tía, có phong ấp để hưởng tô thuế. Thời sơ Ngụy cũng theo chế độ nhà Hán. Năm Hàm Hi nguyên niên (Ngụy - Tào Hoán) đổi sang chế độ Ngũ đẳng tước (tức Công hầu bá tử nam).

127. Lệnh sử: Thời Hán, thuộc quan của Thiếu phủ có chức Thượng thư lệnh sử, Lan đài lệnh sử. Phủ Tam công cũng đặt chứ Lệnh sử, địa vị thấp hơn Duyện sử. Thời Tào Ngụy, phủ Tam công và phủ Tướng quân cũng đặt chức Lệnh sử. Tướng phủ bên Thục cũng có chức này.

128. Lệnh: Thời Tần Hán, quan huyện quản địa hạt vạn hộ trở lên gọi là Lệnh, vạn hộ trở xuống gọi là Trưởng.

129. Bí thư: Chưởng quản sách vở, ghi chép bí mật trong cung cấm. Bắt đầu đặt từ thời Hoàn đế.

130. Bí phủ lang: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt chức này, chưởng quản các Bí thư.
--
Hình: Lục Kháng từng nhậm chức Lập tiết trung lang tướng. Nhiều người biết tới ông là con thứ của Lục Tốn, nổi tiếng với đoạn cuối của Tam Quốc cầm binh đối kháng với lão tướng Dương Hựu nhà Tần, nhưng ít người biết sự tích ông minh oan cho cha mình. Lục Tốn sinh thời xích mích với Ngô chủ Tôn Quyền. Khi Tốn mất, Quyền nêu ra 20 tội trạng của Tốn, Lục Kháng bèn từng điều từng điều biện bạch cho phụ thân. Quyền nghe xong, bao nhiêu phẫn nộ với Lục Tốn đều tiêu tan.

Chức quan, lại thời Tam Quốc (131-140)
--
131. Môn hạ tuần hành: Theo chế độ nhà Hán, trong ba chức lại của Quận thú có Môn hạ tuần hành, một dạng môn hạ riêng, không quản công việc thực sự.

132. Môn hạ đốc: Thuộc quan ở phủ tướng soái. Phủ phiêu kỵ tướng quân, Xa kỵ tướng quân, Vệ tướng quân đặt một chức Môn hạ đốc, hàm thất phẩm. Dưới quyền có Môn hạ lục sự, Môn lại, Môn hạ thư lại, mỗi chức một người.

133. Nam trung lang tướng: Thuộc quan của Quang lộc huân. Thời Ngụy là trật hai ngàn thạch, Thục cũng đặt, Ngô không.

134. Phá lỗ tướng quân: Một trong các tạp hiệu tướng quân thời Đông Hán. Thời Ngụy mang hàm ngũ phẩm. Tôn Kiên, Lý Điển từng nhậm chức này

135. Bình nhung tướng quân: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt, Bộ Chất từng nhậm chức này.

136. Bình đông tướng quân: Nhà Hán đặt, thời nhà Ngụy là hàm lục phẩm. Lã Bố từng nhậm chức này.

137. Bình nam tướng quân: Nhà Ngụy đặt chức này, hàm tam phẩm, thuộc hạ có các chức lại như Chủ bạ, Công tào. Ngô, Thục cũng đặt.

138. Bình bắc tướng quân: Năm Kiến An thứ 10 bắt đầu đặt, hàm lục phẩm, thuộc hạ có các chức lại như Chủ bạ, Công tào. Ngô, Thục cũng đặt.

139. Bình tây tướng quân: Thời Ngụy mang hàm tam phẩm, thuộc hạ có các chức lại như Chủ bạ, Công tào. Ngô, Thục cũng đặt.

140. Thiên tướng quân: Địa vị khá thấp trong số các tướng quân, phần đa do hiệu úy hoặc tỳ tướng thăng lên, không cố định, hàm ngũ phẩm. Thời Tam Quốc cũng đặt chức này.
--
Hình: nhắc đến Phá Lỗ, người đời chỉ biết đến Tôn Kiên mà ít kẻ hay Lý Điển cũng từng được phong chức này. Lý Điển xứng đáng gọi là viên nho tướng đệ nhất thời Tam Quốc, chẳng thích chiến trận, không màng chuyện đấu đá tranh công, mê đọc sách, đặc biệt là giống Quan Vũ ở khoản nghiện Tả truyện (được học hành đàng hoàng chứ không phải tự phát như Vũ). Hình tượng Lý Điển bị Diễn nghĩa dìm rất oan khuất, trận Tiêu Diêu, Diễn nghĩa chép:

Lý Điển vốn không hoà với Trương Liêu, nghe xong, nín lặng chẳng nói lại làm sao. Nhạc Tiến thấy Lý Điển có dáng không bằng lòng, mới nói:
- Giặc nhiều ta ít, khó lòng đánh được, không bằng giữ vững là hơn.
Trương Liêu nói:
- Các ông chỉ nghĩ đến ý riêng, không tưởng gì đến việc công nhà nước. Có phải thế thì một mình ta ra địch, dù chết cũng đành!
Liền sai tả hữu gióng ngựa để ra. Lý Điển thấy vậy đứng phắt lên rằng:
- Tướng quân đã có bụng như thế, tôi sao dám vì chút tình riêng mà bỏ việc công nữa. Tướng quân bảo thế nào tôi xin nghe.
Liêu mừng nói rằng:
- Mạn Thành đã chịu giúp ta, ngày mai nên dẫn một toán quân phục ở mé bắc bến Tiêu Diêu, chờ khi nào quân Ngô đi khỏi, chặt cầu Tiểu Sư đi. Ta cùng với Nhạc Văn Khiêm ra đánh.
Lý Điển vâng lệnh, dẫn quân ra đó mai phục.

Sự thực thì Trương, Lý, Nhạc bình thường ko hòa nhau nên khi nghe tin quân Ngô tới, Trương Liêu e ngại sợ mọi người không đồng lòng, chính Lý Điển khẳng khái nói: "Đây là chuyện quốc gia đại sự, chỉ trông vào kế sách của ngài có tốt hay không, tôi đâu có vì tư oán mà xem thường đại cục."

Tiếc thay chết sớm, 36 tuổi.

Chức quan, lại thời Tam Quốc (141-150)
--
141. Tiền hộ quân: Ngụy cùng Thục đều đặt chức Hộ quân, nhưng riêng Thục phân Hộ quân ra năm viên tiền, hậu, tả, hữu, trung.

142. Tiền tướng quân: Thời Tam Quốc thường thiết lập chức tướng quan cao cấp này. Phụ trách vệ binh kinh sư cùng đóng binh biên cảnh. Địa vị dưới Cửu khanh, nhưng cao hơn các tạp hiệu tướng quân được đặt khi hữu sự. Thời Tam Quốc phẩm cấp bị hạ thấp xuống, thành tam phẩm. Được khai phủ làm việc. Thuộc quan có Trưởng sử, Tư mã, Tòng sự trung lang,...

143. Tiền quân sư: Thời Đông Hán bắt đầu có cái tên Quân sư. Chia làm tiền, hậu, tả, hữu, trung, hàm ngũ phẩm.

144. Kỵ đô uý: Lưỡng Hán đều có chức này, thuộc Quang lộc huân, trật dưới hai ngàn thạch, chưởng giám Vũ lâm vệ, không thường đặt.

145. Khuyến học tòng sự: Theo chế độ nhà Hán, dưới quyền Tư lệ hiệu úy và Thứ sử các châu thiết lập một số chức Tòng sự sử, chia ra làm việc châu. Nhà Thục tại Ích Châu đặt chức Khuyến học tòng sự, là học quan của châu, địa vị hơi thấp hơn Điển học tòng sự.

146. Nho lâm hiệu úy: Hiệu úy là chức võ quan dưới tướng quân, có rất nhiều danh hiệu. Do vậy chức vụ chưởng quản khác nhau thì danh hiệu cũng khác nhau. Nho lâm hiệu úy là riêng nhà Thục đặt ra. Chu Quần từng nhậm chức này.

147. Thượng đại tướng quân: Năm Hoàng Long nguyên niên thời Tôn Quyền đặt chức quan này, địa vị trên Tam công, do Lục Tốn đảm nhậm.

148. Tuy nam trung lang tướng: Thời Tam Quốc, hai nhà Ngụy, Thục có chức quan này. Sĩ Nhiếp, Trương Dực từng đảm nhiệm.
Chú: Sĩ Nhiếp được nhà Hán phong chức này chứ không phải ở thời Tam Quốc.

149. Xạ thanh hiệu úy: Hán Vũ đế đặt bát hiệu úy, trong đó có Xạ thanh hiệu úy, chưởng quản đãi chiếu (chờ mệnh vua) xạ thanh sĩ, là quân giỏi xạ tiễn. Trật hai ngàn thạch. Thời Ngụy mang hàm tứ phẩm, trật dưới hai ngàn thạch, chướng quản quân Túc vệ. Ngô, Thục cũng có chức này.

150. Tư mã: Chu lễ - Hạ quan chép thuộc quan của Đại tư mã có Quân tư mã, Dư tư mã, Hành tư mã. Thời Xuân Thu, nước Tấn lập tam quân, mỗi quân đặt một chức Tư mã. Thời Hán, thuộc quan của cung môn và tướng quân, hiệu úy đều có chức Tư mã. Các quận biên thùy đặt chức Thiên nhân tư mã, chuyên quản việc quân. Nhà Tào Ngụy, phủ Tam công, Đại tướng quân đều đặt chức Tư mã, trật ngàn thạch, chủ trì việc quân.
--
Hình: Tôn Quyền gần mất, cho đòi Thái phó Gia Cát Khác và Đại tư mã Lã Đại vào dặn dò. Sự thực thì lúc này Lã Đại đang là Thượng đại tướng quân, sau khi Tôn Lượng lên ngôi mới thăng Đại làm Đại tư mã. Lã Đại hầu như không xuất hiện trong Diễn nghĩa ngoại đoạn thác cô này, có lẽ là do công sức của Đại bỏ ra chủ yếu để mở mang cương thổ cho nhà Ngô tại phương nam. Sau khi bình định Giao Chỉ, trở về Vũ Xương thì đã ngoài 80. Năm 96 tuổi, Đại mất, con là Lã Khải nối tước hầu. Diễn nghĩa không chép gì về Lã Khải của Ngô mà chỉ có Lã Khải của Thục.

151. Ty diêm hiệu úy: còn gọi là Diêm phủ hiệu úy. Lưu Bị sau khi bình định Thục đặt chức này, để tính mối lợi của muối, sắt. Ngô cũng đặt chức này, chủ quản các việc liên quan tới sản xuất muối biển.

152. Sư hữu tòng sự: Theo chế độ nhà Hán, thuộc quan của Thứ sử, Châu mục có Tòng sự sử, chia thành các chức tòng sự như Biệt giá, Trị trung, Bộ tào, Bình tào,... Thời Hán mạt, gián hoặc có đặt chức Sư hữu tòng sự, chỉ là chức vụ danh dự, không cố định công việc.

153. Sư hữu tế tửu: Theo chế độ nhà Hán, Quận thú thu hút nhân tài trong quận, nuôi dưỡng trong phủ, chuyên để bàn mưu nghị sự, gọi là tán lại, địa vị tương đương với duyện, sử, người có địa vị cao nhất trong đó thì tôn xưng là Tế tửu.

154. Thứ tử: Thuộc quan trong phủ Thái tử, hàm ngũ phẩm, trật bốn trăm thạch, chức trách như Tam thự lang.
Chú: Theo Hán cựu nghi, Tam thự là Ngũ quan thự, Tả, Hữu thự, mỗi thự có chức Trung lang tướng quản việc. Hiếu liêm trong nước được bổ vào Tam thự lang, người trên năm mươi tuổi vào Ngũ quan, còn lại phân vào Tả, Hữu.

155. Xá nhân: Đặt ra từ thời Tần, luân phiên theo ban làm túc vệ cho Thái tử. Thời Ngụy mang hàm thất phẩm, trật hai trăm thạch.

156. Thượng thư tuyển tào lang: Thời Tam Quốc, nhà Ngô đặt Thương thự lang chia tào làm việc, trong đó có Tuyển tào lang

157. Thượng thư hữu tuyển lang: Thời Tam Quốc, nhà Thục đặt Thương thự lang chia tào làm việc, trong đó Hữu tuyển bộ, phân ra Tả hữu và Hữu hữu tuyển lang. Dương Hí từng nhậm chức này.

158. Thượng thư lại bộ lang: Nhà Tào Ngụy đặt 25 người làm Thượng thư lang trung, chia thành bộ, tào để làm việc, trong đó có Lại bộ lang.

159. Thượng thư bộc xạ: Là chức phó trưởng quan tại Thượng thư đài. Nhà Tần đặt ra, thuộc Thiếu phủ, chủ trì công văn, thư từ. Thượng thư lệnh khuyết thì thay thế làm việc. Nhà Ngụy đặt hai chức Thượng thư bộc xạ, phân làm tả, hữu, trật sáu trăm thạch, hàm tam phẩm. Ngô, Thục đặt một chức, không phân tả hữu.

160. Đô úy thượng thư: Thời Tần, là thuộc quan thuộc Thiếu phủ. Chưởng quản công văn nội điện, địa vị rất thấp. Tây Hán trở về sau, chức quyền cao dần. Dưới quyền Thượng thư có năm chức, một là bộc xạ, bốn người kia phân tào làm việc. Thời Đông Hán, Thượng thư đài chính thức thành trung tâm tổng lý quốc gia chính sự. Nhà Ngụy đặt Thượng thư, gồm một lệnh, hai bộc xạ, năm thượng thư (phân ra năm tào), gọi là bát tọa, trong ngũ tào thượng thư, trừ Lại bộ thượng thư, còn lại đều gọi là Thượng thư. Ngô, Thục cũng vậy.
--
Hình: Thượng thư bộc xạ Trần Thái, ông chính là con của Trần Quần, kiến trúc sư trưởng của nhà Tào Ngụy. Diễn nghĩa nhắc nhiều tới Trần Thái trong mấy lần chiến đấu với Khương Duy nên ít người liên tưởng Trần Thái này cũng chính là Trần Thái khóc Ngụy chủ Tào Mao, không lâu sau phẫn uất mà chết.



161. Thượng thư lệnh sử: Thời Tây Hán, dưới Thượng thư lang có chức lệnh sử. Đông Hán tăng thành mười tám người, trật hai trăm thạch, phân ra sáu tào, chủ trì việc biên viết văn thư. Thời Ngụy mang hàm bát phẩm.
162. Thư bộ: Lược xưng của Tòng sự. Tôn Quyền đặt chức này, Hồ Tống từng làm qua, chủ trì quân quốc mật sự.

163. Thư tá chủ bạn: Phụ giúp quan viên việc văn thư. Quy định: Châu quận môn hạ cùng các tào đều có Thư tá. Ở ngoài do trưởng quan châu, quận tự san giảm. Thư tá ngoại trừ ở các tào, bởi là thuộc lại thân cận với trưởng quan châu quận nên còn gọi là Môn hạ thư tá.
164. Đồn kỵ hiệu úy: Được lập từ thời Hán Vũ đế, chưởng quân kỵ. Đông Hán đổi thành Kiêu kỵ, sau đổi trở lại, chưởng quản quân túc vệ. Nhà Ngụy cũng đặt, trật dưới hai ngàn thạch, hàm tứ phẩm, chịu quản lý của Trung lĩnh quân.
165. Thái tử thái phó: Hai triều Thương, Chu có chức Thái tử thái phó và thiếu phó, là thày dạy của Thái tử. Hán cũng đặt chức này, trật ba ngàn thạch, địa vị dưới Thái thường. Đông Hán là trật hai ngàn thạch. Thái tử đối với viên quan này dùng lễ đệ tử. Thời Tam Quốc cũng đặt.
166. Thái trung đại phu: Được lập từ thời Tần, chưởng việc nghị luận, cố vấn việc ứng đối, là tham mưu cao cấp cho Thiên tử. Thời Ngụy mang hàng thất phẩm, trật ngàn thạch. Ngô, Thục cũng đặt.
167. Đình hầu: Chỉ tước vị. Thời Tần Hán dùng hai mươi bậc tước để thưởng người có công, cao nhất là Triệt hầu. Đời sau kị húy Hán Vũ đế đổi là Thông hầu, sau lại đổi thành Liệt hầu. Liệt hầu ăn lộc hương, đình thì được xưng là Hương hầu, Đình hầu.
168. Thảo nghịch tướng quân: Một trong các tạp hiệu tướng quân thời Đông Hán. Nhà Tào Ngụy cũng đặt, hàm ngũ phẩm.
169. Thảo lỗ tướng quân: Một trong các tạp hiệu tướng quân thời Đông Hán. Thục cũng đặt chức này, Ngô nhân vì Tôn Kiên từng nhậm chức này nên về sau không đặt nữa.
170. Thảo khấu tướng quân: Một trong các tạp hiệu tướng quân nhà Tào Ngụy, hàm ngũ phẩm. Thục cũng đặt.
--
Hình: Thái trung đại phu Khổng Dung. Diễn nghĩa chép việc Khổng Dung làm Thái thú Bắc Hải rồi đột ngột chép Khổng Dung ở triều đình tại Hứa Đô. Kỳ thực ko có chức Thái thú Bắc Hải mà Dung do xích mích với Đổng Trác nên đang là Hổ bôn trung lang tướng bị thiên là Bắc Hải quốc tướng. Sau Bắc Hải bị Viên Đàm đem binh tới đánh, Dung thua phải chạy về Sơn Đông, rồi được triều đình cử làm Tướng tác đại thần (mục 49) rồi Thiếu phủ, rồi Thái trung đại phu


171. Võ vệ đô úy: Nhà Ngô thời Tam quốc đặt, Tôn Hoàn, Tôn Tuấn từng nhậm

172. Võ vệ tướng quân: Ngụy đặt, hàm tứ phẩm. Tào Tháo đặt Võ vệ trung lang tướng. Tào Phi đổi thành Võ vệ tướng quân, lấy Hứa Chử làm chức này, chỉ huy trung quân túc vệ cấm binh. Ngô cũng đặt, để quản lý túc vệ.
173. Vô nan hữu bộ đốc: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt. Vô Nan doanh thuộc cấm quân phân thành tả hữu hai bộ, đều đặt chức Đốc để quảnlý nên có tên gọi này.
174. Ngũ quan duyện: Một trong các chức lại thuộc thự của Thái thú một quận thời Hán, chưởng quản việc tế tự hai mùa xuân thu, nếu khuyết chức Công tào sử hoặc nhân viên trong tào thì cho thế chỗ hoặc thay mặt làm việc. Là tay phải tay trái của Thái thú, địa vị tương đương Công tào sử.
175. Vương: Thời Tần, Hán về sau, đế vương đổi xưng là Hoàng đế, vương trở thành tước phong cao cấp nhất.
176. Úy: Chức võ quan thời cổ phần đa gọi là Úy. Thời Xuân Thu có chức Quân úy. Tần, Hán có Thái úy chưởng quản việc võ, Đình úy chưởng quản hình ngục. Quận có Đô úy, Huyện có Huyện úy, đều là chức quản quản việc võ của địa phương, gọi tắt à Úy.
177. Vệ tướng quân: Được đặt ra thời Hán Văn đế, địa vị hơi thấp hơn Tam tư (chú: Tư mã, Tư đồ, Tư không - Tư mã ở đây chỉ Đại tư mã), trong quân thì kém hơn Đại tướng quân, Phiêu kỵ tướng quân và Xa kỵ tướng quân.
178. Tuyển tào thượng thư: Một trong các Thượng thư các tào, chưởng quản việc tuyển, đề bạt quan lại. Hán kế thừa chế độ nhà Tần đặt Thượng thư thuộc Thiếu phủ. Thời Hán thành đế đặt bốn chức Thượng thư phân bốn tào làm vệc. Thời Hán Quang Vũ đế, đổi Thường thị tào thành Lại tào, quản việc tuyển cử, thờ cúng, tế tự. Đó cũng là tiền thân của chức Tuyển tào thượng thư. Thời Ngụy đổi Tuyển bộ thành Lại bộ.
179. Tiên đăng hiệu úy: Thời Tam Quốc, danh mục Hiệu úy lĩnh binh rất nhiều, Tiên đăng hiệu úy chỉ có nhà Ngô đặt.
180. Hương hầu: Chế độ nhà Hán, Liệt hầu ăn lộc huyện gọi là hầu quốc. Tước công lớn thì ăn lộc huyện, nhỏ thì ăn lộc hương, đình. Cuối đời Đông Hán, thiết lập thêm các tước vị Huyện hầu, Hương hầu, Đình hầu.
--
Hình: Vệ tướng quân Gia Cát Chiêm. Ông là con trai Hán thừa tướng Gia Cát Lượng. Khi còn bé, Gia Cát Lượng từng nhận xét rằng "mười phần thông minh khả ái, chỉ sợ hắn thành thục quá sớm, tương lai khó thành đại tài"
181. Tướng quốc tham quân: Tào Tháo làm Thừa tướng nhà Hán bèn đặt chức Tham quân, hàm thất phẩm.

182. Hiệu sự: Tào Tháo ban đầu đặt, tới giữa niên hiệu Gia Bình thì bỏ. Ngô cũng đặt chức này làm tai mắt cho Hoàng đế, thăm dò lời nói hành động của thần dân. Trên thì giám sát tông miếu, dưới thì nhiếp phục các quan, cũng có khi gọi là Điển hiệu, Hiệu tào.

183. Hiệu úy: Đặt ra thời nhà Tần. Thời Hán đặt bát hiệu úy, chưởng quản đặc chủng quân đội. Theo chế độ nhà Hán, trong quân đội, dưới võ chức Tướng quân là Hiệu úy. Tam Quốc cũng theo đó.

184. Tẩy mã: Tức Thái tử tẩy mã, là thuộc quan của Thái tử. Lập ra ở thời Tần, chức vụ như Yết giả, khi Thái tử xuất hành thì đi trước. Thời Ngụy thì mang hàm thất phẩm, trật sáu trăm thạch.

185. Tướng: Chức tương tự Thái thú của quận. Các vương quốc thời Ngụy đặt một chức Tướng, trật hai ngàn thạch, hàm ngũ phẩm.

186. Tây tào duyện: Theo chế độ nhà Hán, thuộc lại của Thừa tướng, Thái úy phân tào làm việc, trong đó có tây tào. Viên lại chính xưng là duyện, chức phó xưng là thuộc. Ban đầu nhận tấu sự của bá quan, sau đổi thành chưởng quản việc chi dụng cho các quan lại trong nội phủ. Thời Ngụy, trong phủ Thừa tướng, Đại tướng quân, Tư đồ, Tư không đặt Tây tào duyện, trật dưới bốn trăm thạch, hàm thất phẩm.

187. Tây bộ đô úy: Thời Tần có chức Quận úy, tới đời Hán Cảnh đế đổi tên thành Đô úy, trật dưới hai ngàn thạch, chưởng quản trợ giúp việc quân cho Thái thú và duy trì trị an trong địa phận. Tam Quốc cũng theo vậy. Mỗi quận đặt một chức Đô úy, quận lớn thì đặt hai viên, phân quản địa phận theo đông tây hoặc nam bắc.

188. Dực chính đô úy: Thuộc quan của Đông cung nhà Ngô thời Tam Quốc. Thời Tôn Đăng làm Thái tử, Gia Cát Khác làm Tả phù đô úy, Trương Hưu làm Hữu bật đô úy, Cố Đàm làm Phụ chính đô úy, Trần Biểu làm Dực chính đô úy, gọi là tứ hữu để phù tá Thái tử.
189. Vũ lâm trung lang tướng: Đời Hán Tuyên đế bắt đầu dùng Trung lang tướng quản Vũ lâm (quân). Đông Hán đặt chức Vũ lâm trung lang tướng, trật dưới hai ngàn thạch, quản túc vệ thị tòng. Thời Ngụy mang hàm ngũ phẩm, trật dưới hai ngàn thạch, chưởng quản Vũ lâm lang.

190. Việt kỵ hiệu úy: Hán Vũ đế bắt đầu đặt ra, chưởng quản việt kỵ. Đông Hán cũng theo vậy, đặt một chức Việt kỵ hiệu úy, trật dưới hai ngàn thạch, chưởng quản quân túc vệ. Tam Quốc cũng theo vậy.
Chú: Việt kỵ là chi kỵ binh người Việt.
--
Hình: Việt kỵ hiệu úy Ngũ Phu, tự Đức Du. Đương thời có hai ông Ngũ là Lương Ngũ và Đông Quan Ngũ, ý lộn, lậm Đông Châu quá rồi, là Ngũ Phu và Ngũ Quỳnh đều tự Đức Du, cùng là Nhữ Nam nhân, Ngũ Phu chết khi hành thích Đổng Trác, Ngũ Quỳnh cũng bị Đổng Trác giết cùng năm đó, nên Bùi Tùng Chi cho rằng hai người là một



191. Duyện: cách gọi thuộc quan thời cổ đại, như Duyện thuộc, Duyện tá, Duyện lại, Duyện sử, gọi tắt là Duyện.

192. Nha môn tướng quân: Năm Hoàng Sơ nguyên niên thời Ngụy Văn đế bắt đầu đặt, hàm ngũ phẩm, không đặt cố định. Thục, Ngô cũng đặt.

193. Dương vũ tướng quân: Thời Đông Hán có chức này, Tam Quốc cũng đặt.

194. Hữu bộ đốc: Danh xưng đầy đủ là Trướng hạ hữu bộ đốc. Thời Tam Quốc, Tướng quân được khai phủ thì thuộc quan có một viên Trướng hạ đốc, hàm thất phẩm. Lục Tốn từng làm Trướng hạ hữu bộ đốc cho Tôn Quyền.

195. Hữu trung lang tướng: Được lập thời Tây Hán, trật dưới hai ngàn thạch, chỉ huy Hữu thự lang, dưới quyền Quang lộc huân. Thời nhà Ngụy mang hàm tứ phẩm, trật dưới hai ngàn thạch

196. Hữu quốc sử: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt, cùng Tả quốc sử chưởng quản việc biên quốc sử.

197. Hữu đại tướng quân: Thời Tam Quốc, nhà Thục năm Kiến Hưng thứ 13 lập chức Đại tướng quân. Những năm đầu Cảnh Diệu, phân ra Hữu đại tướng quân.

198. Hữu hộ quân: Thời Tam Quốc có chức Hộ quân, phân ra tả, hữu.

199. Hữu tướng quân: Thời Hán có chức này, ấn vàng thao tía, địa vị như Thượng khanh, nhưng không thường xuyên đặt. Nếu gia thêm Lại, Cấp sự trung thì tất được làm túc vệ cho Hoàng đế, tham gia bàn bạc việc triều chính, quyết định quốc quân đại sự, nếu được lĩnh thượng thư sự thì được phụ trách chính sự thực tế. Nhà Ngụy thì mang hàm tam phẩm, có thuộc quan.

200. Nghị lang: Thuộc quan của Lang trung lệnh, trong các lang quan thì địa vị khá cao, trật sáu trăm thạch, chủ việc cố vấn, ứng đối, không thường đặt. Tam Quốc cũng có chức này.
--
Hình: Dương vũ tướng quân Trương Tú, sau khi hàng Tào, Trương Tú được phong Dương vũ tướng quân. Năm 207, theo Tào Tháo đi chinh phạt Ô Hoàn, chưa tới nơi đã chết. sách Ngụy lược chép Tào Phi khi đó là Ngũ quân trung lang tướng từng chỉ mặt Tú nói rằng "Ngươi giết huynh trưởng ta (tức Tào Ngang), còn mặt mũi nào mà gặp mọi người nữa." Tú tâm bất an, đành tự sát.

Xét: Tào Ngang là con trưởng, mẹ là Lưu phu nhân, trong khi Phi là con Biện phu nhân, khó có thể vì chuyện Ngang chết mà oán hận Trương Tú (đến Tào Thực là em cùng một mẹ còn bị chẹt cho gần chết). Tuy nhiên, Trương Tú là ái tướng của Tào Tháo, lại có con gái lấy con trai của Tháo là Tào Quân, nên không loại trừ khả năng Tào Phi tiên hạ thủ, tránh về sau em trai lại có ngoại viện hùng mạnh.

Chức quan, lại thời Tam Quốc (211-219)
--
211. Tả quân sư: Tào Tháo làm Thừa tướng, đặt một chức Tả quân sư, hàm ngũ phẩm. Nhà Ngô thời Tam Quốc cũng đặt, nhưng không phải thuộc quan của Thừa tướng mà cho Tam công lĩnh chức ấy.

212. Tả thừa tướng: Tần lập chức Thừa tướng, phân ra tả, hữu, thời Tần coi trọng bên trái, lấy Tả thừa tướng làm chính, Hữu thừa tướng làm phó. Thời Hán lấy bên phải làm trọng, nên Hữu thừa tướng lớn hơn. Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt chức Thừa tướng, phân làm tả, hữu, sau chỉ đặt một chức.

213. Tả hữu đô hộ: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt, năm Hoàng Long nguyên niên, bái Lục Tốn làm Đại tướng quân, Hữu đô hộ, Gia Cát Cẩn làm Đại tướng quân, Tả đô hộ.

214. Tả hộ quân: Thời Tần có chức Hộ quân đô úy. Hán có chức Hộ quân trung úy, thuộc hạ của Đại tư mã. Thời Đông Hán có chức Trung hộ quân, là thuộc hạ trong mạc phủ của Tướng quân, không phải quan viên của triều đình. Khi Tào Tháo làm Thừa tướng, đặt chức Hộ quân, sau đổi thành Trung hộ quân, hàm tứ phẩm, chưởng quản cấm binh. Về sau có Đô đốc vài châu cũng đặt Hộ quân, hàm ngũ phẩm. Các trấn trọng yếu và tướng quân xuất chinh cũng đặt chức Hộ quân, hàm lục phẩm, trong đó cúa Tả hộ quân. Ngô, Thục cũng đặt.

215. Tả tướng quân: Nhà Hán có chức Tả tướng quân, không thường đặt, địa vị như Thượng khanh, ấn vàng thao tía, chưởng quản binh phòng vệ kinh sư cùng phòng thủ biên ải, chinh phạt tứ di. Bình thường Nếu gia thêm Lại, Cấp sự trung thì tất được làm túc vệ cho Hoàng đế, tham gia bàn bạc việc triều chính, quyết định quốc quân đại sự, nếu được lĩnh thượng thư sự thì được phụ trách chính sự thực tế. Thời Ngụy mang hàm tam phẩm.

216. Trưởng: Tần đặt chức Huyện lệnh, Huyện trưởng để coi quản huyện. Vạn hộ trở lên là Lệnh, dưới vạn hộ là Trưởng. Thời Ngụy mang hàm bát phẩm, trật ba trăm thạch.

217. Trường Lạc thiếu phủ: Chế độ nhà Hán, thuộc quan tại cung Thái hậu đều lấy tên cung làm quan danh. Trước Cảnh đế đặt Trường Tín chiêm sự, chưởng quản việc cung của Hoàng thái hậu. Năm 144 trước Công nguyên, đổi thành Trường Tín thiếu phủ. Năm Nguyên Thủy thứ 4 đời Bình đế, nhân cung điện Hoàng thái hậu ở đổi lại tên cũ là Trường Lạc, nên đổi tên quan là Trường Lạc thiếu phủ, địa vị cao hơn chức Thiếu phủ chính khanh. Cung của Hoàng thái hậu nhà Thục cũng gọi là Trường Lạc, do vậy cũng đặt chức quan này.

218. Trường Thủy hiệu úy: Thời Hán, do Vũ đế đặt, là một trong tám Hiệu úy đóng binh ở kinh sư, chưởng quản Trường Thủy hồ kỵ, trật hai ngàn thạch. Trường Thủy là tên đất, Hồ kỵ gần Trường Thủy nên có tên ấy. Thời Tam Quốc cũng đặt.

219. Chấn uy tướng quân: Một trong các tạp hiệu tướng quân thời Đông Hán, Ngụy cũng đặt, hàm tứ phẩm.
--
Hình: Chấn uy tướng quân Điền Dự. Trong Diễn nghĩa, Điền Dự xuất hiện đúng một lần đoạn Khổng Minh sắp mất tại Ngũ trượng nguyên, nghe tin Mãn Sủng, Điền Dự, Lưu Thiệu phá được quân Đông Ngô. Trong lịch sử, Điền Dự là danh tướng nhà Ngụy, uy chấn bắc cương, phá rợ Ô hoàn, sau lại mấy lần đánh Đông Ngô, đều lập được công cả. ba tiêu của Lưu bán dẹp hẳn rất tiếc nuối khi biết hồi Lưu còn ở với Công Tôn Toản, chính Điền Dự đã tự tiến cử mình với Lưu, sau vì mẹ già yếu nên xin về, khiến Lưu tốn mấy lít nước mắt. Sau đó Dự là theo Công Tôn Toản, khi Toản bại, Dự theo Tiên Vu Phụ về với Tào Tháo.
Chức quan, lại thời Tam Quốc (220-230)
--
220. Trấn đông tướng quân: Hàm nhị phẩm, địa vị dưới Tứ chinh tướng quân, lĩnh binh như Chinh đông tướng quân, người đủ tư cách thì làm (Trấn đông) Đại tướng quân.

221. Trấn bắc tướng quân: Hàm nhị phẩm, địa vị dưới Tứ chinh tướng quân, lĩnh binh như Chinh bắc tướng quân. Người đủ tư cách thì làm (Trấn bắc) Đại tướng quân

222. Trấn nam tướng quân: Hàm nhị phẩm, địa vị dưới Tứ chinh tướng quân, lĩnh binh như Chinh nam tướng quân. Người đủ tư cách thì làm (Trấn nam) Đại tướng quân

223. Trấn tây tướng quân: Hàm nhị phẩm, địa vị dưới Tứ chinh tướng quân, lĩnh binh như Chinh tây tướng quân. Người đủ tư cách thì làm (Trấn tây) Đại tướng quân

224. Trấn bắc đại tướng quân: Phẩm cấp ngang với Trấn bắc tướng quân, người đủ tư cách được tặng thêm danh hiệu Đại tướng quân, không thường đặt.

225. Trấn nam đại tướng quân: Phẩm cấp ngang với Trấn nam tướng quân, người đủ tư cách được tặng thêm danh hiệu Đại tướng quân, không thường đặt.

226. Trấn quân tướng quân: Trật và địa vị dưới Trấn quân đại tướng quân, hàm tam phẩm.

227. Trấn quân đại tướng quân: Địa vị dưới Đại tướng quân, hàm nhị phẩm, không thường đặt. Thời Lưỡng Hán, trong quân đặt chức Đại tướng quân, địa vị dưới Tam công. Trước đại tướng quân có thêm vài loại danh hiệu. Thời Đông Hán, Tam Quốc ngày càng nhiều. Ngụy, Ngô, Thục đều đặt chức quan này.

228. Chinh lỗ tướng quân: Nhà Ngụy đặt theo chế độ nhà Hán, hàm tam phẩm. Ngô, Thục cũng đặt.

229. Chinh tây đại tướng quân: Trong cái Đại tướng quân thời Đông Hán có chức Chinh tây đại tướng quân. Ngụy và Thục cứ Chinh tây tướng quân đủ tư cách thì cho làm Chinh tây đại tướng quân. Ngô cũng đặt.

230. Chinh nam trung lang tướng: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt. Bộ Chất từng nhậm chức này.
--
Hình: Chinh nam trung lang tướng Bộ Chất, từng xuất binh sang nước ta, làm Thứ sử Giao Châu, sau đó Lã Đại thế chức. Sau khi thế tử Tôn Đăng chết, Tôn Hòa đươc lập làm thế tử, triều đình nhà Ngô chia làm 2 phe: Lục Tốn, Cố Đàm, Chu Cứ, Gia Cát Khác, Đằng Dận, Thi Tích (lại 1 nhân vật hổ báo bị bỏ sót trong Diễn nghĩa) ủng hộ Tôn Hòa, còn Bộ Chất, Lã Đại, Toàn Tôn, Lã Cứ ủng hộ Lỗ vương Tôn Bá. Kết quả là... Tôn Hòa bị phế, Tôn Bá bị giết vì mưu phản, ngôi vua về tay Tôn Lượng, chư đại thần tránh được 1 kiếp.
Chức quan, lại thời Tam Quốc (231-hết)
--
231. Trung lĩnh quân: Thời Tào Tháo làm Thừa tướng nhà Hán, đặt chức Lĩnh quân, sau đổi thành Trung lĩnh quân, hàm tam phẩm, chưởng quản cấm quân, quản Ngũ hiệu úy, Trung lũy, ba doanh võ vệ. Thục cũng đặt, cũng có Hữu lĩnh quân, Tiền lĩnh quân, Hành lĩnh quân. Ngô gọi là Lĩnh quân tướng quân.
Chú:
Ngũ hiệu úy: Hán vũ đế đặt bát hiệu úy, thời Đông Hán bỏ Trung lũy, nhập Hồ kỵ vào Trường thủy, nhập Hổ bôn vào Xạ thanh, còn lại là Bắc quân ngũ hiệu, do ngũ hiệu úy chỉ huy.

232. Trung quân sư: Ngụy đặt, là thuộc quan của Thừa tướng, hàm ngũ phẩm.

233. Trung tán đại phu: Thời Tần, Hán, trong các chức Đại phu có Trung tán đại phu. Các đại phụ có nhiệm vụ quản việc bàn luận, cố vấn việc ứng đối, không có công việc cố định. Thời Ngụy mang hàm thất phẩm, trật sáu trăm thạch.

234. Trung lang: Thời Tần đặt, Hán cũng theo đó, dưới quyền Lang trung lệnh, đứng đầu gọi là Trung lang tướng. Hán Vũ đế đặt đặt ba Trung lang tướng là Ngũ quan, Tả, Hữu, lấy Ngũ quan trung lang tướng thống lĩnh Trung lang. Nhà Tào Ngụy đặt chức Trung lang, dưới quyền Quang lộc huân, hàm bát phẩm, trật sáu trăm thạch.

235. Trung lang tướng: Nhà Tần đặt chức Trung lang tướng thống lĩnh các Lang trung làm việc trong cung cấm. Hán Vũ đế đặt ba Trung lang tướng là Ngũ quan, Tả, Hữu, trật dưới hai ngàn thạch, thuộc Quang lộc huân, theo hầu hộ giá Thiên tử. Thời Đông Hán, chức vụ chủ yếu là hiệp trợ Quang lộc huân khảo hạch các Lang trong tam thự, sau lại cho lĩnh binh, tăng thêm rất nhiều danh hiệu Trung lang tướng.

236. Trung giám quân: Nhà Thục đặt, là chức quan kiêm thêm.

237. Trung thư thừa: Nhà Ngô thời Tam Quốc đặt, là thuộc quan của Trung thư giám, Trung thư lệnh.

238. Trung thứ tử: Thời nhà Chu bắt đầu đặt, chưởng quản việc giáo dục, quản lý các thứ tử của Chư hầu, Khanh, Đại phu. Hán cũng đặt, là thuộc quan của Thái tử, nhiệm vụ như Thị trung, là cận thần của Thái tử. Trật sáu trăm thạch, hàm ngũ phẩm.

239. Trị trung tòng sự sử: Nhà Hán đặt, là trợ lý cho Thứ sử ở các châu, chủ trì văn thư, án quyển của châu phủ, làm việc trong nội phủ, cùng Biệt giá tòng sự sử phân biệt làm tổng quản nội, ngoại châu phủ.

240. Chủ ký: Thời Đông Hán, các châu quận đặt chủ ký thất để chuyên quản ghi chép, sổ sách, lại viên trong đó gọi là Chủ ký thất sử, gọi tắt là Chủ ký, là thuộc lại thân cận (của thứ sử, thái thú) gần bằng với Chủ bạ. Ngụy cũng đặt.

241. Trước tác lang: Giữa năm Thái Hòa thời Ngụy Minh đế bắt đầu đặt, chưởng quản biên soạn quốc sử, thuộc Trung thư sảnh.

242. Chiêu đức tướng quân: Nhà Ngụy đặt, hàm ngũ phẩm.

243. Chiêu vũ tướng quân: Nhà Ngụy đặt, hàm ngũ phẩm.

244. Chiêu tín hiệu úy: Nhà Thục thời Tam Quốc đặt, là danh hiệu đặt cho sứ thần phụng mệnh xuất sứ.

245. Châu mục: Thời cổ phân ra chín châu, mỗi châu đặt chức Mục, là chức trưởng của châu. Thời Hán Vũ đế phân làm 13 châu, mỗi châu đặt một Thứ sử để giám sát địa phương. Đời Thành đế đổi thành Châu mục, sau lại đổi thành Thứ sử. Đời Linh đế đổi lại là Châu mục, địa vị trên quận thú, vốn là do chức quan giám sát phát triển thành để làm trưởng quản tổng quản đại quyền về mặt hành chính.
--
Hình: Trung giám quân Đặng Chi, ít người để ý Chi có họ hàng với Đặng Ngải bên Ngụy.

1 nhận xét: