Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Kinh doanh Phật (Hà Thủy Nguyên)

KỶ LUẬT TRỤ TRÌ CHÙA BA VÀNG VÀ CÂU CHUYỆN LỢI ÍCH NHÓM CỦA NHỮNG PHE CÁNH KINH DOANH PHẬT

Những ngày Tết đầu năm, dân tình xôn xao chuyện chùa Phúc Khánh (Hà Nội) với ngành dịch vụ dâng sao giải hạn, cùng những khuất tất của doanh nghiệp Xuân Trường ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), thế rồi, chỉ trong phút chốc mọi sự quan tâm bị đá sang chùa Ba Vàng với dịch vụ giải nghiệp cho vong báo oán. Nhiều người hoan hỉ đắc chí khi thấy sư Thích Trúc  Thái Minh bị thượng tọa Thích Thanh Quyết quở trách và giáo hội Phật giáo Việt Nam “đấu tố”, như thể công lý được thực thi. Qúy vị thật nhanh quên, vậy còn dịch vụ của chùa Phúc Khánh, chùa Bái Đính và đủ loại lởm khởm khác đang được các địa điểm tâm linh quảng bá trên khắp miền đất nước Việt Nam với danh nghĩa cứu độ chúng sinh hay ban phúc cho muôn dân thì sao? Mất đi một sư Thích Trúc Thái Minh ở Ba Vàng thì địa bàn của dịch vụ cúng sao giải hạn của sư Thích Thanh Quyết lại được mở rộng. Có gì tốt hơn ở đây?

Viễn tưởng về sự cứu độ của Phật hiện nay thực sự đã trở thành một dịch vụ kinh doanh hiệu quả nhất trong tất cả các ngành nghề: trốn được thuế, dân chúng ai cũng hoan hỉ dâng tiền, lại không phải coi khách hàng là Thượng Đế, kẻ nào phàn nàn về chất lượng dịch vụ thì các sư chỉ cần mỉa mai vài câu đại loại như: “khẩu nghiệp”, “vô minh”… thế là xong. Đạo đức nghề nghiệp ư, không cần bàn tới, bởi vì sư nào cũng tự cho mình cái quyền “cứu độ chúng sinh”.  Và chính bởi vì miếng hời vô tận đó nên chuyện đấu đá giữa các phe cánh kinh doanh Phật là điều không thể tránh.

Trước khi vào WTO, kinh doanh Phật là đặc quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức do chính quyền Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập dựa trên các nhánh Phật giáo ủng hộ Việt Minh trong suốt quá trình hoạt động Cách mạng và trong Chiến tranh Việt Nam. Với vị thế ấy, Giáo hội này hoàn toàn có thể coi tất cả những nhóm Phật giáo khác là ngụy tạo, là phản động. Cho đến thời điểm Việt Nam vào WTO, một loạt các hội nhóm Phật giáo khác đã quay trở lại như các phái Mật Tông, Làng Mai… và tới bây giờ thì “trăm hoa đua nở”, kể cả những người không phải sư sãi gì cũng có thể kinh doanh Phật. Giáo hội phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ và cho dù không lo ngại mất đi vị trí chính trị của mình, thì cũng phải lo ngại về việc chia sẻ miếng bánh niềm tin mù quáng của con dân nước Việt.

Chùa Ba Vàng nằm dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và bản thân Thích Thái Trúc Minh là “nghiệp chướng” của chính giáo hội này mà ra. Dịch vụ “trục vong” ngay tại chùa không phải chỉ là đặc sản của chùa Ba Vàng, mà từ trước đó rất lâu, tông phái của sư cụ Thích Viên Thành đã quá cố (trụ trì chùa Hương, thầy của ông Thích Thanh Quyết) đã từng thực hiện. Không chỉ “trục vong”, mà phái này còn hầu đồng và làm đủ thứ nghi lễ bí truyền. Tôi đã từng được chứng kiến một nghi lễ như vậy từ năm 2011, bởi một đệ tử chân truyền của cụ Thích Viên Thành, mà có lẽ là “sư huynh” của ông Thích Thanh Quyết.  Đương nhiên việc này đến nay chẳng còn bằng cớ, nói chỉ để là nói mà thôi, người nào từng thấy sẽ tự hiểu, chẳng cần phải chứng minh. Tuy nhiên, ông Thích Thanh Quyết đã thoát một cú ngoạn mục khi lấy ông Thích Trúc Thái Minh làm vật thế thân. Nếu không có vụ chùa Ba Vàng, có lẽ bây giờ người đang bị báo chí đấu tố sẽ là ông.

Những dịch vụ này, thật thú vị thay, lại mâu thuẫn với quyền lợi của đạo Mẫu (mà tôi vẫn gọi đùa là Mẫu giáo). Mẫu giáo từ sau thời mở cửa, được bung lụa kiếm tiền bằng đủ trò gọi hồn, cúng vong, trục vong, giải hạn… Thu được nhiều tiền từ dịch vụ, các vị tư tế của Mẫu giáo bắt đầu đầu tư tu sửa đền, cúng dường chùa, rồi nghiễm nhiên chiếm luôn một ban thờ trong đó. Mẫu giáo lần đầu gặp phải sự tấn công dữ dội chính là từ chùa Ba Vàng, đến mức bầy con chiên đệ tử của Mẫu giáo kéo nhau lên chùa Ba Vàng chửi bới. Động vào miếng ăn của nhau thật không đơn giản.

Như thế, chùa Ba Vàng trong thời gian ngắn ngủi đã trở thành cái gai trong mắt của hai thế lực to lớn và hung hãn nhất giới kinh doanh tâm linh hiện nay: Giáo hội Phật giáo Việt  Nam và Mẫu giáo, và đương nhiên, kết quả như hiện nay! Báo chí chẳng biết vô tình hay có sự chỉ đạo mà đã hướng toàn bộ sự chú ý dư luận vào một con tép riu trong trị trường kinh doanh tâm linh Việt Nam để “cứu khổ cứu nạn” cho các “ông lớn” trong ngành này.

Haizzzz… tối nay tôi đã khẩu nghiệp nhiều rồi. Chuyện kinh doanh Phật sẽ còn dài dài nhiều chiêu trò nữa, có thể trong tương lai tôi sẽ còn nhắc đến tiếp. Phật giáo có điểm hay điểm dở, nhưng trở thành dịch vụ kiếm tiền thì tai hại lắm thay!

*Lưu ý: Trong post này, tôi sẽ không bàn đến chuyện có vong hay không có vong, trục vong là tốt hay là xấu nhé! Tôi chỉ bàn về dịch vụ thôi.

3 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Quả thật cáo lỗi với bậc tiền bối. Cơm áo gạo tiền nó quay cho chóng mặt. Quả thật rất thấm thía cảnh văn sĩ Hộ ngày nào. Chao ôi, nỗi đời cay cực giơ nanh vuốt, cơm áo không vời với khách thơ. Mà đấy còn chưa đủ tầm làm tao nhân mặc khách tiên sinh ạ

      Xóa