Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Mở trường tư, Trương Giác chiêu sinh Nghe xiểm nịnh, Linh Đế gây vạ

TAM QUỐC CHẾ BẬY PHẦN THỨ BỐN MƯƠI HAI

Mở trường tư, Trương Giác chiêu sinh
Nghe xiểm nịnh, Linh Đế gây vạ

Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan: như cuối đời nhà Chu, bảy nước tranh giành xâu xé nhau rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi nhà Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán.
Nhà Hán, từ lúc vua Cao tổ (Bái Công) chém rắn trắng khởi nghĩa, thống nhất được thiên hạ, sau vua Quang Vũ lên ngôi, rồi truyền mãi đến thời Hoàn đế Linh đế thì xảy ra biến loạn. Bấy giờ ở đất Cự Lộc, có một nhà ba anh em: anh cả là Trương Giác, em hai là Trương Bảo, em út là Trương Lương.
Trương Giác vốn thi tú tài trượt, nhân thế bực mình vào núi hái thuốc. Đi đường gặp một ông cụ già mặt tròn mắt biếc, tay chống gậy lê, gọi Trương Giác vào trong một cái động, trao cho ba quyển sách và bảo rằng: “Đây là cuốn “Thái bình yêu thuật”, có được cuốn này ngươi nên thay trời dạy người, để cứu lấy đời. Nếu sau này manh tâm tà gian ắt bị ác báo”. Trương Giác sụp xuống lạy, hỏi họ tên thì cụ già nói: “Ta là Nam Hoa lão tiên”, nói đoạn hoá ra một trận gió biến mất.
Trương Giác chiêu sinh
Trương Giác được ba quyển sách ấy đem về ngày đêm học tập, không bao lâu biết đủ các phép hô gió mưa, tự xưng là Thái Bình đạo nhân rồi mở lớp dạy học. Do đạo học suy vi từ lâu, thày rởm có chút trình độ cũng mở trường tư dạy học khiến cho người học không biết tầm sư nào cho tốt. Nghe tiếng Thái bình đạo nhân, chúng dân kéo đến theo học đông như chảy hội.
Vì muốn phục hưng lại đạo học Giác mở trường tư thục dạy học cùng hai em Trương Lương, Trương Bảo. Giác mở lớp và dạy học từ sáng đến tối, hết ca này đến ca khác. Bọn quan phủ địa phương thấy Giác và hai em kiếm ăn tốt lại không chịu đút lót mình nên tấu Vua Giác cùng hai em tự ý mở trường dạy học làm rối loạn kỉ cương mưu đồ bất chính. Linh Đế bèn cho ra lệnh cấm mở trường tư thục. Trường của Giác bị đóng cửa.
Giác thất nghiệp, bèn cùng hai em đi xin dạy học ở một đơn vị trường công khác. Bấy lâu nay, do kỉ cương lớp học bị buông lỏng khiến sư đồ lộn bậy, Giác thắt chặt lại kỉ cương, hễ học trò lơ đễnh trong lớp, Giác phạt năm roi; học trò ngủ trong giờ, Giác phạt mười roi; học trò lười biếng không làm bài tập, Giác phạt hai mươi roi; học trò cãi bậy với thầy, Giác nện cho nhừ tử. Chính vì thế mà lứa học trò do Giác đào tạo ai nấy đều có trình độ, ai hỏi gì cũng biết, ứng đối rất trôi chảy. Tiếng đồn vang xa, nhiều người lại đến năn nỉ Giác mở lớp dạy thêm ở nhà. Giác đành chiều lòng người học mà mở lớp học chui. Bọn đốc học địa phương thấy Giác phận làm thuê mà vẫn được nhiều người biết đến lại gièm pha lên quan phủ. Quan phủ ăn của đút, gửi tấu chương lên Linh Đế bản dự thảo sửa đổi luật giáo dục nước nhà với những quy định đại ý như sau:
“Dạy học tại gia không xin phép phạt đến 8 triệu lượng bạc
Quan phủ xàm tấu
Có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người học, phạt đến 20 triệu lượng bạc
Xâm hại thân thể người học phạt đến 30 triệu lượng bạc.
Vừa dạy người học ở trường vừa dạy người đó ở nhà, phạt tù đến 6 tháng, tịch biên toàn bộ gia sản”.
Linh Đế xem bản tấu lại được lời xàm tấu của đám hoạn quan liền thông qua dự luật, cho người đem dán ở chợ cho dân chúng biết.
Giác đọc cáo thị thấy quy định mới của luật giáo dục mơ hồ lại nặng đòn kinh tế có ý triệt hạ đường sống của những người như mình. Giác uất quá mà về bàn với hai em:
- Hôn quân u mê nghe lời xiểm nịnh của đám hoạn quan khiến dân chúng đều oán thán. Sẵn có danh tiếng, ta không thừa thế chiếm lấy thiên hạ thì thật là đáng tiếc lắm.
Thế là Giác cùng hai em mưu ngày khởi sự. Giác xưng là Thiên công tướng quân, Trương Bảo xưng Địa công tướng quân, Trương Lương xưng Nhân công tướng quân; nói với mọi người rằng: “Nay vận nhà Hán sắp hết, đại thánh nhân ra đời. Các ngươi nên thuận mệnh trời, theo về ta để cùng vui hưởng thái bình!”
Thật chính là:
Nghe lời xàm tấu ban luật bậy
Khiến kẻ đường cùng nổi tà tâm
Chưa biết, triều đình nhà Hán sẽ ứng phó thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ.

Lời bàn: Cứ nghe ba cái thứ xàm tấu trong giáo dục mà phạt bừa bãi kẻ dạy học thì chẳng mấy mà xã hội đại loạn.
_________
Xem thêm: Lưu Quan Trương ứng mộ rèn khí giới



2 nhận xét: