Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Đất Thành Đô, Tây Thục phá quy hoạch Thành Kiến Nghiệp, Đông Ngô cất tượng đài

TAM QUỐC TẦM BẬY (PHẦN 36)

Đất Thành Đô, Tây Thục phá quy hoạch
Thành Kiến Nghiệp, Đông Ngô cất tượng đài


Nhắc lại năm 234, Gia cát Võ hầu vì việc nước bỏ mình tại gò Ngũ Trượng hưởng thọ 54 tuổi, bọn Dương Nghi rước linh cữu Khổng Minh về Thành Đô, hậu chủ dẫn các quan mặc đồ tang trở ra khỏi thành hai chục dặm nghênh tiếp. Hậu chủ cất tiếng khóc vang lên. Trên từ công khanh, dưới đến trăm họ, già trẻ trai gái, ai cũng khóc lóc, sầu thảm. Bọn Dương Nghi dâng Hậu Chủ di biểu cuối cùng của Võ Hầu, đại ý như sau:

“Thần sớm theo tiên đế, một đời chỉ biết theo quan gia, tuyệt không vun vén gì cho bản thân. Nhà thần vườn dâu có 800 cây đất ruộng có 50 mẫu, cơm áo cháu con được no đủ. Khi làm quan, ăn mặc tiêu dùng đã có nhà nước chu cấp không phải lo gì. Thần chết đi trong phủ không một tấm lụa thừa, ngoài dinh không một chút của riêng để phụ lòng bệ hạ.”

Linh cữu Hán thừa tướng được rước về Thành Đô
Hậu chủ sai rước linh cửu vào trong thành, quàn ở phủ thừa tướng. Sai con Khổng Minh là Gia Cát Chiêm thủ tang. Lệnh toàn quốc để tang 3 tháng tưởng nhớ đến công lao to lớn của Khổng Minh sinh thời rồi hạ lệnh kén thợ giỏi cả nước về đúc tượng Khổng Minh để dân chúng chiêm ngưỡng.

Phí Vĩ tâu rằng:
- Khi thừa tướng gần mất, có dặn táng ngài ở núi Định Quân, không cần xây lăng miếu tượng đài và cũng không dùng đến để tế lễ gì cả.

Hậu chủ nói:
- Việc đó đâu thể làm được. Nhằm để quan lại và dân chúng phải noi theo tấm gương trung trinh vì nước vì dân của Gia Cát Võ Hầu, nhất thiết phải xây tượng đài tượng niệm. Không chỉ xây ở Thành Đô mà còn phải xây ở khắp cả nước cho dân chúng ngày ngày trông thấy mà noi theo.

Phí Vĩ lại tâu:
- Quả theo Đề án quy hoạch tượng đài cả nước đến năm 240 tầm nhìn 250 đã quy hoạch đủ tượng đài, không thể xây thêm lúc này. Vả chăng khi nghe tin thừa tướng mất tất nước Ngụy nước Ngô sẽ đem quân xâm lần bờ cõi, chúng ta cần dồn lực để phòng giữ biên ải. Xin bệ hạ minh xét!

Hậu chủ còn đang chưa quyết thì nghe tin báo Đông Ngô sai Toàn Tôn dẫn vài vạn quân đóng ở cửa cõi Ba Kỳ thì giật mình tạm gác kế hoạch xây tượng đài tưởng niệm Gia Cát Võ Hầu rồi bàn với các quan:
- Nước Ngô thấy thừa tướng mất, phụ lời bội ước thì làm thế nào bây giờ?

Phí Vĩ nói:
- Xin cử thêm quân tướng ra đóng thành Vĩnh An rồi cho người ăn nói giỏi sang xem nước Ngô báo tang dò ý xem sao.

Hậu chủ ưng lời cử Tôn Dự đi sứ.
Nói về Ngô chủ, sau khi nghe tin Khổng Minh qua đời thì trong bụng lấy làm lo lắng ngửa mặt lên trời than:
- Liệu còn ai cùng ta canh giữ hòa bình cho Trung Nguyên nữa đây!?
Nói xong Ngô chủ khóc rống lên, tả hữu xúm lại khuyên can hồi lâu. Ngô chủ hạ lệnh, toàn bộ triều thần phải mặc đồ tang rồi lập bàn tế lễ quay hướng tây mà vái. Đang cử hành thì có tin sứ giả nước Thục đến, Ngô chủ bèn mời vào thiết đãi rồi lấy tên bịt vàng bẻ làm đôi rồi thề:
- Nếu ta mà phụ lời ước thì con cháu ta sẽ tuyệt diệt.

Lại sai sứ mang hương lụa và đồ lễ cùng sứ giả Thục vào Xuyên tế Khổng Minh. Tiễn sứ giả Thục về nước, Ngô chủ bèn nói với quần thần:
- Ta ngưỡng mộ Võ Hầu đã lâu, nay ông ta mất, ta nghĩ cũng nên có một bức tượng để dân nước Ngô lấy đó làm tấm gương học tập.

Gia Cát Khác vốn là con Gia Cát Cẩn bèn đứng lên nói:
- Ý bệ hạ rất hay, nhưng theo ngu ý của thần, chúng ta không nên xây tràn lan. Hãy xây ở những nơi Khổng Minh đã từng để lại dấu ấn đậm nét mà thôi.

Đinh Phụng đứng lên nói:
- Bên Thục không xây tượng đài sao bên mình lại xây? Như thế chẳng phải buồn cười lắm ru!?
Khác nói: "Ta nên bỏ 1400 triệu lạng bạc 
để xây tượng cao 20 trượng"
Quần thần nổi lên bàn tán sôi nổi một hồi. Ngô chủ chưa biết phải theo ý ra sao thì chợt nhìn thấy cạnh bàn bị mẻ một miếng. Nguyên lai hồi Tháo đem quân xuống xâm lấn bờ cõi, Ngô chủ đã rút gươm chém mẻ chiếc bàn tỏ lòng quyết tâm đánh giặc Tháo. Từ đó đến nay, chiếc bàn được Ngô chủ giữ lại sử dụng như vật chứng năm nào. Nhớ đến công lao Võ Hầu đã giúp đỡ năm ấy, Ngô chủ cất lời:
- Ta quyết định xây dựng tượng đài cho Võ Hầu ở Kiến Nghiệp, các khanh chớ nhiều lời nữa.
Nói xong bèn cho người đi tuyển thợ giỏi về kinh thành chuẩn bị đúc tượng. Gia Cát Khác khuyên:
- Nên bỏ 1400 triệu lạng bạc để xây tượng cao 20 trượng.
Ngô chủ ưng thuận.
Có kẻ khác lại đứng lên nói tiếp:
- Nơi nào có dấu tích của Khổng Minh thì nên lập bia để tưởng niệm.
Ngô chủ cũng chấp thuận.
Thế là khắp nơi nước Ngô, quận nào huyện nào cũng xây tượng đài Khổng Minh. Có đến gần hơn trăm tượng đài lớn nhỏ, còn bia tưởng niệm thì nhiều vô kể. Có nơi, bia tưởng niệm ghi: Năm Kiến An thứ 13, Khổng Minh sang giúp Ngô phá giặc, đã từng rửa chân tại đây”, hay như “Năm Kiến An thứ 13, Khổng Minh cùng Lỗ Tử Kinh du thuyền đến đây bày kế mượn tên quân Tào”. Có bia tốn mấy triệu lạng bạc cũng có bia tốn đến cả chục cả trăm triệu lạng bạc. Thậm trí có nơi chỉ lập bia tưởng niệm vỏn vèn vài dòng “Khổng Minh đã từng đến đây bàn việc quân”, “Khổng Minh từng ở đây thám thính địa hình”,… khi trình lên quan phủ cũng đều được duyệt chi vài triệu lạng từ ngân khố. Còn có nơi do không có sự tích cụ thể nên cứ bịa sự tích rồi trình đơn lên quan phủ xây bia tưởng niệm với nội dung “Năm Kiến An thứ hai, Khổng Minh đi vân du, đã từng đi tiểu tiện hay đại tiện ở đây", "Năm Kiến An thứ ba, Khổng Minh từng đến đây hít thở không khí"... Nhiều kĩ viện, sòng bạc cũng đua theo dựng bia tưởng niệm nội dung: “Năm Kiến An thứ 30, Khổng Minh từng đến đây chơi gái”, “năm Kiến An thứ 31, Khổng Minh từng đến đây chơi xóc đĩa” rồi gửi quan phủ để xin tiền xây cất và đều được cấp tiền xây cả.
Có kẻ ở Trường An đi qua đất Ngô trông thấy phòng trào xây tượng đài Khổng Minh, rồi lại thấy mấy văn bia thì ngán ngẩm than:
- Toàn sự tích tầm bậy. Đến rửa chân, đi tiểu tiện, đại tiện với chơi kĩ nữ mà chúng nó cũng dựng thành bia được thì chẳng còn ra thể thống gì nữa rồi. Năm Kiến An thứ 24 Hiến Đế bị Tào Phi cướp ngôi rồi thì đào đâu ra năm Kiến An thứ 30,31 để mà lũ người Đông Ngô viết bia tưởng niệm cơ chứ. Nước Ngô vạ đến nơi rồi!
Có kẻ nghe thấy lời của kẻ đó liền đi báo quan phủ. Quan phủ cho người đi lùng bắt rồi vu cho tội gian tế quân Ngụy đem chém đầu ngoài chợ.
Thật chính là:
Quan tâm gì đến người đã khuất
Tượng đài văn bia cốt giải ngân!
Chưa biết còn chuyện gì kì quái đang xảy ra ở thời kì Tam Quốc xin xem hồi sau.

Lời bàn: Muốn người đời noi theo gương sáng, đâu phải cứ dựng tượng là xong!? Ấy chỉ là cái cớ cho bọn quan lại bòn rút ngân khố nước nhà đó thôi. 






4 nhận xét:

  1. Tiên sinh đánh võng khiếp quá, khiến người xem chóng hết cả mặt! :)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết sao được khi mà đâu đó vẫn ném tiền thuế của dân vào ba cái trò khốn khiếp này tiên sinh

      Xóa
  2. “Trăm năm bia đá cũng mòn
    Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”
    -Ca dao-

    Trả lờiXóa