TAM QUỐC DÃ SỬ BỔ DI (PHẦN 33)
Lại nói năm kiến An thứ 24 (tức năm 220), Tào Phi từ khi lên
làm Ngụy Vương đã có ý định muốn cướp danh xưng thiên tử của Hiến đế. Bọn Hoa
Hâm, Vương Lãng, Tân Tỷ, Giả Hủ, Lưu Hoa, Lưu Dị, Trần Kiệu, Trần Quần, Hoàn
Gia bèn bàn với nhau xong vào cung vua để tâu với thiên tử xin nhường danh xưng
cho Ngụy vương. Hiến đế nghe xong giật mình, ngồi lặng đi nửa giờ rồi nhìn các
quan mà khóc rằng:
Hiến đế khóc tỏ ý chưa muốn về hưu sớm với các quan |
- Trẫm nghĩ khi xưa đức Cao tổ, cầm ba thước gươm, chém rắn
khởi nghĩa, phá Tần diệt Sở, gây dựng cơ nghiệp, đời đời truyền nối, đến nay
danh xưng ấy đã hơn bốn trăm năm. Trẫm tuy bất tài, nhưng cũng không có điều gì
quá ác, sao nỡ đem cơ nghiệp của tổ tôn mà bỏ đi cho đành? Quần thần các ngươi,
nên bàn định lại cho phải!
Bọn Hoa Hâm Vương Lãng cùng các quan đều nói:
- Chúng tôi đã bàn định đâu vào đấy vả chăng điềm trời đều ứng
với việc họ Tào ở Hứa Xương thay nhà Hán. Xin bệ hạ chớ trái ý trời.
Vua khóc ầm lên bỏ vào nội điện. Các quan tủm tỉm đi ra.
Ngày hôm sau lại kéo đến đòi vua ra thiết triều và lại yêu cầu vua nhường danh
xưng cho Ngụy vương.
Nhìn thấy dưới điện các quan hầm hầm lại thêm mấy trăm quân
đều thuộc quân Tào đằng đằng sát khí, vua hoảng sợ chẳng biết làm thế nào bèn
nói:
- Trẫm tình nguyện nhường danh xưng cho Nguỵ vương, xin tha
cái sống sót cho trẫm, để được trọn tuổi trời!
Vua bất đắc dĩ phải sai Trần Quần thảo tờ chiếu nhường danh
xưng, rồi sai Hoa Hâm mang chiếu và ngọc tỉ, dẫn các quan đến cung Nguỵ vương
dâng nộp.
Tào Phi mừng lắm muốn nhận ngay thì Tư Mã Ý can rằng:
- Chớ nên nhận vội, tuy rằng có chiếu và ngọc tỉ, nhưng quả
thật khó lòng mà che miệng lưỡi thiên hạ. Nay điện hạ nên sai Vương Lãng viết
biểu nhún mình từ chối, rồi lại sai Hoa Hâm bẩm tấu cần tổ chức lễ kỉ niệm 402
năm đăng quang của Hán Cao Tổ Lưu Bang, 195 năm ngày đăng quang Hán Vũ Đế trước
để Ngụy vương tỏ lòng tôn kính với các bậc tiên nhân nhà Hán rồi sau để Hiến Đế
tỏ rõ ý định muốn nhường danh xưng thiên tử cho điện hạ ở đó.
Phi nghe lời ấy, sai Vương Lãng làm bài biểu, nói nhún rằng
đức mình mỏng lắm, xin cầu người đại hiền khác để nối danh xưng thiên tử.
Vua xem biểu, trong bụng nghi hoặc, hỏi quần thần rằng:
- Nguỵ vương khiêm tốn không chịu nhận, thì làm thế nào?
Hoa Hâm tâu rằng:
- Ấy là Ngụy vương sợ rằng thiên hạ không hiểu lòng thành thực
của bệ hạ muốn nhường danh xưng. Vậy nay bệ hạ trước mắt hãy tổ chức các lễ kỉ
niệm các tiên quân bản triều, vào bố cáo ở thái miếu rằng thực bụng muốn nhường
danh xưng cho Ngụy vương. Hiến Đế nói:
- Ta ở ngôi hơn ba mươi năm, tài hèn sức mọn nên phải nhờ cậy
Ngụy vương giúp đỡ bấy lâu nay. Giờ ta muốn nhường danh xưng cho Ngụy vương
nhưng cũng mong là làm cái gì thì làm với tinh thần tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất,
đừng có lãng phí quá mà không thiết thực. Tổ chức như thế ta e tốn kém lắm.
Hoa Hâm tâu:
- Tốn kém như thế là điều cần thiết để bệ hạ tỏ rõ tấm lòng.
Phí hỏi: Ta muốn che miệng lưỡi thế gian thì làm thế nào? |
Vua bất đắc dĩ lại bảo Hoàn Khải hoàn thảo tờ chiếu và cho
người đi chuẩn bị lễ hội. Ngụy vương và Hiến Đế cùng vào làm lễ trong thái miếu.
Xong đâu đấy lại sai Trương Âm cầm cờ tiết và ngọc tỉ đến cung Nguỵ vương.
Tào Phi tiếp được tờ chiếu, mừng rỡ lắm, bảo với Giả Hủ rằng:
- Tuy hai lần có chiếu, lại được thiên tử tổ chức lễ kỉ niệm
tỏ rõ ý muốn nhường ngôi trong nhà thái miếu nhưng vẫn ngại thiên hạ đời sau
chê cười là ta cướp đoạt, thì nghĩ thế nào?
Hủ thưa:
- Việc ấy cực dễ, nên lại sai Trương Âm cầm tỉ thụ về, rồi bảo
Hoa Hâm nói với vua Hán phải làm một cái đền thụ thiên, chọn ngày lành tháng tốt,
hội cả công khanh lớn nhỏ dưới đền, để thiên tử thân cầm tỉ thụ, nhường cho điện
hạ; rồi lại bố cáo tổ chức lễ hội linh đình khắp cả nước như thế không còn ai
nghi ngờ gì, mà bịt được mồm thiên hạ.
Phi mừng lắm, sai ngay Trương Âm mang tỉ thụ về, và lại dâng
biểu từ lần nữa.
Trương Âm về tâu với vua; vua hỏi quần thần thì Hoa Hâm tâu
rằng:
- Bệ hạ nên làm một cái đền, gọi là đền thụ thiên, hội cả
quan dân lại, nhường ngôi rõ ràng cho Nguỵ vương; như thế thì Nguỵ vương phải
nhận, mà con cháu bệ hạ, đời đời được đội ơn nhà Nguỵ mất.
Hiến đế cho người đi khái toán xong rồi nói với quần thần:
- Ta tính sơ sơ cũng hết đến một trăm linh bốn tỷ lạng bạc.
Trong khi dân chúng nhiều nơi còn đang nheo nhóc ta thật không lỡ lòng mà làm
thế
Bọn Hoa Hâm, Vương Lãng đồng thanh nói:
- Tốn kém như thế thật không thấm vào đâu. Tiền vàng trong
dân chúng còn nhiều, rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu ấy là chúng ta chưa đánh
thức được tiềm lực quốc gia đó thôi. Xin bệ hạ chớ lo chuyện đó.
Tào Phi tiếm danh xưng Hoàng đế |
Vua Hiến đế bấy giờ chẳng thể không nghe. Bèn
sai quan viên thái thường chọn một khu đất ở Phồn Dương, xây một cái đền ba tầng,
kén chọn giờ dần, ngày canh ngọ, tháng mười, vua Hiến đế mời Tào Phi lên đền,
các quan lớn nhỏ hơn bốn trăm viên tụ tập cả ở dưới, và hơn ba mươi vạn quân ngự
lâm, quân hổ bôn, và cấm binh đóng dàn cả chung quanh. Vua tự mình bưng ngọc tỉ
dâng lên Tào Phi. Quần thần quỳ cả dưới đền nghe chiếu.
Chiếu đọc xong, Tào Phi nhận lễ, chễm chệ đoạt danh xưng
hoàng đế. Phong cho Hiến đế làm Sơn Dương Công bắt phải đi ngay hôm đó.
Thật chính là
Tốn kém thì mặc tốn kém
Nhường ngôi cứ phải tổ chức to
Chưa biết sau khi Ngụy vương tiếm danh xưng hoàng đế của nhà
Hán sự thế còn tiếp diễn như nào, xin xem hồi sau.
P.s: Bài này quả thực chưa tâm đắc lắm, xin chư vị chớ chê cười!
Xem thêm:
Dẫu hùng hay gian, thô hay thanh cũng đều là... ăn cả!
Trả lờiXóaĐúng vậy thưa tiên sinh! Đều ăn cả.
Xóa