TAM QUỐC DÃ SỬ BỔ DI (PHẦN 30)
Giả ngây ngô, Tiên chủ lấy được
Hào Đình
Bỏ phiếu chọn, Thư sinh cất
làm đại tướng
Lại nói trung tuần tháng hai, năm Chương Vũ thứ
hai (222), Tiên Chủ khởi 70 vạn binh tiến đánh Ngô báo thù rửa hận, đại thắng trận Di Lăng bèn kéo cả thảy
thủy lục đến Hào Đình đóng trại Hàn Đương, Chu Thái nghe tin tiên chủ ngự giá đến
đánh, liền dẫn quân ra địch. Hai bên dàn trận: Hàn Đương, Chu Thái ra ngựa. Trận
bên này, tiên chủ tự trong cửa cờ đi ra, che đôi tán vóc vàng, mao trắng, việt
vàng, cờ tinh, cờ tiết che kín xung quanh.
Đương gọi lớn lên rằng:
- Bệ hạ nay đã làm chúa tể
Thục Hán, sao lại khinh thường mà đến đây, nếu có lỡ điều gì, thì hối sao cho kịp?
Tiên chủ trỏ roi sang mắng
rằng:
- Những quân chó Ngô kia!
Bay hại hai em trẫm, lại cướp mất Kinh Châu của ta, ta thề báo thù rửa hận.
Đương nói:
- Kẻ thù giết hai em bệ hạ
đã bị giết hết còn Kinh Châu là đất của
Đông Ngô cớ sao Bệ hạ lại nói là đất của Thục được!?
Tiên chủ nói:
- Quan quân dân của ta còn ở
Kinh Châu cớ sao lại bảo không phải? Hơn nữa các ngươi đã làm văn tự cho mượn đất
rồi.
Đương nói:
- Bệ hạ chẳng đã nói chữ kí
không giống mẫu không hợp lệ đấy thôi?
Tiên chủ nói:
Tiên chủ nói: "Ta đã đưa ra luật mới công nhận chữ ký không giống mẫu cũng hợp lệ" |
Đương cả cười nói:
- Kể cả thế thì văn tự ấy
cũng không có giá trị. Mời bệ hạ đọc lại văn tự ấy xem có chữ nào nhắc đến cho
mượn Kinh Châu hay không?
Tiên chủ nghe thấy Đương
nói vậy thì truyền quân hầu đem tờ văn tự đã kí với Lỗ Túc khi xưa đem lên đọc,
thấy đoạn chính như sau:
“Đông Ngô cho Lưu Bị tự Huyền
Đức mượn vùng đất ngã ba sông Trường Giang, phía đông giáp Dương châu,
phía tây giáp Ích châu, phía nam giáp Giao châu, phía bắc giáp Dự châu trong thời
hạn 10 năm”
Tiên Chủ đọc xong liền mắng:
- Quân phản phúc, các ngươi
rõ ràng cho trẫm mượn đất Kinh Châu, văn tự ghi rõ ràng thế đây còn chối làm
sao?
Dương nói:
- Bệ hạ xin hãy đọc to lại
lần nữa.
Tiên chủ liền sai người đọc
to lên đoạn văn tự trước ba quân.
Đọc xong một lượt lại trỏ
Hàn Đương Chu Thái mà mắng. Đương với Thái chỉ cười rồi nói:
- Bệ hạ có thấy chữ Kinh
Châu nào ở đấy không?
Tiên Chủ nói:
- Thế vùng đất ngã ba sông
Trường giang giáp Dương Châu, Ích Châu, GIao Châu, Dự Châu không phải là Kinh
Châu thì là gì!?
Đương lại nói:
- Cái đó vị tất cần quan
tâm, cái chính là tôi hỏi bệ hạ có thấy chữ “Cho mượn Kinh Châu” nào ở đấy
không?
Nói đến đấy cả bọn cùng cười
ầm lên trước trận tiền. Tiên Chủ cứng họng không biết trả lời sao, lại nghe lời
cười nhạo của Đương, Thái thì nộ khí xung thiên bèn quát:
- Các tướng lên bắt ngay
hai thằng giặc kia cho trẫm.
Nói xong bèn trỏ roi một
cái, từ đằng sau quân Thục ầm ầm kéo lên. Quân Ngô đang mải cười cợt chưa kịp định
thần phòng bị nên thua to, phải vác ngược giáo mà chạy. Trận ấy Tiên Chủ chiếm
được Hào Đình, quân Ngô bị đánh tan chạy mất cả, thây chất đầy nội, máu chảy
thành sông. 81 châu Giang Đông rúng động.
Người sau đến đây có thơ rằng:
Mải cười tiên chủ quá ngây
ngô
Binh tướng Giang đông chẳng
đề phòng
Tiên chủ cơ mưu chỉ đợi thế
Hào Đình 1 trận là chiếm
xong
Lại nói, sau trận Hào Đình,
người Giang Nam ai cũng hết vía, kêu khóc đêm ngày. Hàn Đương, Chu Thái khiếp sợ
lắm, sai người về báo với Tôn Quyền, Quyền cả kinh, tụ văn võ lại bàn bạc.
Hám Trạch bước ra tâu rằng:
- Hiện nay có một cái cột
chống được trời, làm sao lại không dùng đến?
Quyền vội hỏi người nào, Trạch
tâu rằng:
- Khi xưa các việc to ở
Đông Ngô đều trông cậy vào Chu lang, Chu lang mất rồi thì có Lỗ Tử Kính thay
chân, Tử Kính mất lại có Lã Tử Minh. Nay Tử Minh tuy đã mất, hiện có Lục Bá
Ngôn ở Kinh Châu, người ấy tuy là học trò nhưng có tài hùng lược. Cứ như ý tôi
thì tài y chẳng kém gì tài Chu lang. Khi trước phá được Quan Công, mưu mô do tự
hắn cả. Chúa thượng nếu dùng hắn, thì chắc phá được quân Thục.
- Giá không có lời Đức Nhuận
thì cô suýt nữa lỡ mất việc to!
Trương Chiêu nói:
- Lục Tốn không phải đối thủ
với Lưu Bị, chớ có nên dùng!
Bộ Trắc, Cố Ung cũng can:
- Lục Tốn tuổi còn trẻ,
danh tiếng chưa có, tôi e các tướng không phục; đã không phục, tất sinh loạn,
chắc hẳn lỡ mất việc to.
Quyền nói:
Ta đã quyết rồi, các ông chớ
có nói nhiều
Bèn sai đòi Lục Tốn đến. Tốn
nguyên tên là Lục Nghị, sau mới đổi ra Tốn, tự là Bá Ngôn, quê ở Ngô Quận, hiện
là rể Tôn Sách. Khi ấy, Tốn phụng mệnh đến chầu, Tốn lạy xong, Quyền nói rằng:
- Nay quân Thục kéo đến bờ
cõi, cô muốn sai ngươi tổng đốc cả quân mã, để ra phá Lưu Bị.
Tốn tâu rằng:
- Các quan văn võ ở Giang
Đông, toàn là cựu thần của đại vương cả. Tôi tuổi còn nhỏ, lại không có tài,
sai bảo làm sao được!
Quyền nói:
- Hám Đức Nhuận đem cả nhà
ra bảo đảm cho ngươi, mà cô cũng đã biết tài ngươi. Nay phong cho ngươi làm đại
đô đốc, ngươi chớ từ nữa.
Tốn nói:
- Nếu văn võ không phục, thì
làm thế nào?
Quyền nói:
- Nay mai ta sẽ thiết triều
tổ chức hội nghị bá quan để cùng thảo luận
Nói xong sai người chọn
ngày rồi cho gọi tất cả bá quan văn võ Giang Đông đến thương nghị. Mấy hôm sau
quan nội thần vào bẩm quan văn võ ở địa phương nhiều người thác lý do phải ở lại
trấn thủ không thể về Kiến Nghiệp để thảo luận. Quyền cho tổng hợp lại thì thấy
có địa phương đến một nửa thì nổi giận
đùng đùng. Hám Trạch bèn nói:
- Chúa thượng chớ giận, việc
này chỉ mang tính hình thức, thật cũng chẳng cần những kẻ ấy đến làm gì.
Nghe thế Quyền mới thôi. Đến
ngày ấn định, bá quan văn võ vào chầu Quyền nói:
- Nay ta muốn phong Lục Tốn
làm Đại Đô Đốc thống lĩnh toàn bộ quân Giang Đông ngăn giặc, ý kiến các quan thế
nào?
Trương Chiêu lại đứng lên
nói:
- Lục Bá Ngôn vốn là anh học
trò nhà quê làm sao có thể đảm đương việc lớn
Quyền nói:
- Sao lại nói là anh học
trò nhà quê. Bá Ngôn đã lấy cháu ta như vậy cũng được liệt vào dòng gia thế.
Con lãnh đạo làm lãnh đạo ấy là hạnh phúc của dân Giang Đông!
Hàn Đương, Chu Thái vốn là
danh tướng vào chinh ra chiến bao năm nay thấy tên học trò chỉ vì làm rể Tôn Sách mà được phong làm Đại
tướng thì không phục, đứng lên nói:
- Bá Ngôn tuy có danh phận
nhưng không thể vì thế mà phá bỏ đi nề nếp thăng thưởng quốc gia. Bá Ngôn chưa đủ 45 tuổi theo quy định, trước đây vừa làm quan vừa đi học bổ túc không có bằng
chính quy, lại chưa kinh qua các lớp bồi dưỡng nhận thức cấp cao. Lịch sử Giang
Đông chưa có ai được thăng vượt cấp như thế bao giờ!?
Quyền nói:
- Thăng thưởng như thế là đã
đúng quy trình. Hơn nữa đã có Hám Trạch đảm bảo.
Bọn Bộ Trắc, Cố Ung nói:
- Tôi thấy Hám Đức Thuận sắp
hết nhiệm kì nên nhắm mắt tiến cử bừa đấy thôi.
Tôn Quyền thấy bá quan văn
võ đều có ý phản đối cả thì chưa biết làm thế nào thì Hám Trạch ghé nhỏ vào tai
nói:
- Ta cứ bảo bá quan viết
vào giấy người tiến cử rồi giả số liệu là xong
Quyền cả mừng bèn nói:
- Nếu vậy giờ ta để các ông
viết vào giấy tiến cử người nào có thể đảm đương được chức Đại đô đốc, ta cứ
theo số phiếu mà xem xét.
Nói rồi gọi quan nội hầu
mang giấy bút ra cho các quan. Các quan viết xong gửi lên kiểm đếm. Hết mấy tuần
hương, Quyền sai người đọc kết quả lên thì thấy tuyệt đại đa số đều bầu Lục Bá
Ngôn lên làm Đại Đô Đốc thống lĩnh binh mã Giang Đông. Các quan hồ nghi đòi Quyền
đem số phiếu đã bầu ra thì Quyền nói:
- Do các quan nhiều người
viết chữ quá xấu lại tẩy xóa, bộ phận kiểm đếm phải giơ lên đọc nhiều lần khiến
phiếu thì bị rách, phiếu thì bị lửa cháy mất nên không thể mang ra đối chứng.
Các quan ấm ức không phục.
Tôn Quyền thấy thế bèn nói:
- Nếu các quan không phục
thì ta sẽ tổ chức lại. Ta sẽ chọn 7 người vào biểu quyết.
Các quan phản đối thì Quyền
nói:
- Ta cũng muốn nhiều hơn
nhưng theo phép tắc thì bầu chọn chỉ có 5 người, nay ta cho lên 7 người đã là
châm chước rồi.
Nói xong bèn đuổi các quan
ra chỉ giữ lại 7 người.
Cuộc biểu quyết kết thúc
chóng vánh với kết quả tuyệt đại đa số đều ưng thuận Lục Tốn làm Đại Đô Đốc. Bọn
Trương Chiêu, Bộ Trắc, Cố Ung, Hàn Đương, Chu Thái bên ngoài thấy kết quả ấy
thì thở dài. Chiêu nói:
- Chúa thượng chọn 7 người vào
biểu quyết thì tôi xem ra đã 5 người là bè cánh với Lục Tốn còn chúng ta thì
không được vào biểu quyết thì tất nhiên Lục Tốn làm Đại Đô Đốc có gì là lạ.
Nói xong tất cả đều im lặng
giản tán.
Đại đô đốc Lục Bá Ngôn - con rể Tôn Sách |
Quyền dặn rằng:
- Tự cửa khổn trở vào, thì
cô làm chủ, tự cửa khổn trở ra, mặc tướng quân trông nom!
Lục Tốn lĩnh mệnh xuống
đàn, sai Từ Thịnh, Định Phụng làm hộ vệ, ngay hôm ấy cất quân đi. Một mặt, điều
các lộ quân mã thuỷ bộ cùng tiến.
Đó chính là:
Chỉ vì làm rể Tôn Bá Phù
Thư sinh được cất hàng đại
tướng
Chưa biết quyết định của
Tôn Quyền liệu có đúng hay không, xin xem hồi sau.
- Đã nói là không có chữ Trung Quốc nào ở đấy rồi mà sao lắm mồm thế!?
Đôi lời lạm bàn: Dưới góc độ ngôn ngữ làm luật thì việc ghi như dự thảo Hiến Pháp quả rất đúng đắn. Bởi nếu ghi đủ thì ta phải ghi rõ ràng là "Công dân nước CHDCND Trung Hoa..." Vậy nhỡ họ đổi tên nước hoặc giả khu vực đó tự lập quốc gia tách khỏi TQ thì làm thế nào? Chả lẽ tao cũng phải sửa luật sao? Ấy nên viết thế này rất chính xác dưới góc độ pháp lý.
Lục Tốn tuy không có bằng đại học chính quy, nhưng lại có bằng thạc sĩ, thế cũng được rồi!
Trả lờiXóaKể cũng lạ nhỉ. Hồi tôi du học ở đất Thần Kinh quy định bằng ĐH hệ CQ mới đc học nâng cao. Hay giờ thời thế thay đổi rồi sao Tiên sinh?
XóaKẻ hèn đang nói chuyện thời Tam quốc, chứ không biết chuyện của tiên sinh nên chẳng biết giải thích như thế nào!
XóaÔi thế Lục Tốn lấy bằng do cơ sở nào đào tạo vậy Tiên sinh? Tôi e Lục tốn chỉ có bằng giả
XóaKẻ hèn cũng không rõ. Có thể là bằng giả, giống như tiên sinh nói!
XóaThế thì Lục Tốn làm đại đô đốc tôi e là do làm rể Tôn Lang rồi
XóaCon rể lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho nước Ngô!
Xóa