Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Thành Bạch Đế, Tiên chủ viết chiếu gửi con dân Chốn nhân gian, dân xuyên bú trend theo sự kiện


Tam quốc chế bậy hồi thứ bốn mươi mốt

Thành Bạch Đế, Tiên chủ viết chiếu gửi con dân
Chốn nhân gian, dân xuyên bú trend theo sự kiện

Bấy giờ là năm Chương Vũ thứ nhất (220) mùa thu tháng tám, tiên chủ khởi hơn 70 vạn đại quân kéo đến ải Quỳ Quan, xa giá đóng trong thành Bạch Đế. Quân tiền đội thì đã ra khỏi Xuyên. Tiên chủ ban lệnh khao thưởng sáu quân cực to rồi chia 2 đường thủy lục cùng tiến vào đất Ngô báo thù cho hai em.
Đại quân kéo đến đâu quân giặc hàng đến đó, như cỏ lướt theo chiều gió, gươm không giây vết máu nào. Đến Nghi Đô, nghe tin Tôn Hoàn, Chu Nhiên dẫn vài vạn quân ốm đói ra cự nhau với thiên binh. Tiên chủ tức giận, sai Quan Hưng Trương Bào dẫn quân công phá, đánh liền mấy trận khiến quân Tôn Hoàn, Chu Nhiên thiệt mất mấy vạn quân phải bỏ Nghi Đô lui mấy chục dặm về Di Lăng đóng quân.
Từ bấy giờ oai phong tiên chủ lừng lẫy, các tướng bên Giang Nam đều mất vía. Tin ấy được báo về Xuyên, dân chúng nhiều kẻ vui mừng quay về hướng Đông mà vái vọng. Triều đình cũng vì thế cho dán cáo thị tuyên bố:
- Tiên chủ đại thắng quân giặc. Thế nước mạnh, vận nước đang lên!
Nhiều con dân thấy tin đại thắng lại được cáo thị cổ súy, nhà nhà treo cờ, nô nức mở hội suốt đêm thể hiện lòng vui sướng. Kẻ thì cưỡi ngựa, kẻ thì cưỡi lừa, kẻ thì cưỡi trâu, cưỡi bò, cưỡi chó, cưỡi lợn,… cùng đổ ra đường ăn mừng. Có kẻ vội vã đi ăn mừng mà quần áo mặc không chỉnh tề cứ thế vác cái “ấy” chạy lông nhông ngoài đường, hò hét sung sướng. Lại có chị con gái, thích chí quá thiếu cờ hiệu liền cởi phăng xiêm y quấn vào cán chổi cưỡi lừa dẫn đầu đám dân chúng chạy khắp ngõ ngách kinh thành. Dạo đó, Thành Đô ban đêm đèn đuốc sáng trưng, ban ngày tiếng ca hát vang lừng.
Lại năm chương võ thứ hai (221) tháng giêng mua xuân Tiên chủ đại thắng ở đất Ngô, liền cho cắm trại từ Vu Giáp, Kiến Bình đến thẳng Di Lăng, dài hơn bảy trăm dặm, trước sau cất hơn bốn chục trại liên tiếp nhau. Được tin Hàn Đương, Chu Thái, Cam Ninh kéo quân tăng viện cho Tôn Hoàn. Tiên chủ tức giận, kéo quân ngự lâm đến thẳng Hào Đình, hội hết cả các tướng, chia quân làm tám đường thuỷ bộ kéo sang Ngô. Tiên chủ sai Hoàng Quyền lĩnh quân thuỷ, còn mình thì dẫn đại quân bộ kéo đi. Hàn Đương, Chu Thái nghe tin tiên chủ ngự giá đến đánh, liền dẫn quân ra địch nhưng bị đại bại, bỏ chạy khỏi Hào Đình.
Tin tức lại truyền về đất Xuyên, Hán Thừa Tướng lại cho người đi dán yết thị khắp mọi ngõ ngách báo tin thắng trận. Con dân ở Xuyên lại tiếp túc nhảy múa ăn mừng, ca hát suốt ngày đêm, nhà nhà người người đổ ra đường sơn lại tường cờ quạt treo khắp mọi nơi. Có kẻ vì hò hét nhiều quá mất cả tiếng, lạc cả giọng phải nhập viện. Còn có kẻ khác vì quá nhiều người đổ đường mà mót đái không kịp về nhà cũng không có chỗ nào đi nhịn lâu mà vỡ bóng đái phải đưa đi cấp cứu. Dạo đó, bệnh viện trung ương kinh thành Lạc Dương, tăng đột biến những ca chấn thương sọ não, gẫy tay gãy chân, dập phổi nát người,… nhiều không thể kiểm soát được.
Thế nhưng ai ai cũng vui sướng vì tin thắng trận giòn giã đổ về mặc kệ những rủi ro không may. Ca ngợi Tiên chủ và các tướng lĩnh đất Xuyên nhiều quá thì nhàm. Có kẻ mới chợt nhớ ra, trong 70 vạn quân đánh báo thù rửa hận có man vương Sa Ma Kha mang vài vạn quân rợ, lại có tướng Đổng Khê là Đỗ Lộ, Lưu Ninh trợ giúp. Thế là con dân đất Xuyên mới lại tung hô tiếp cho đỡ nhàm.
Dạo đó, con dân đất Xuyên ca ngợi man vương Sa Ma Kha đến tận mây xanh, cả một phong trào tâng công cho man vương Sa Ma Kha.
Lại nói, sau trận Hào Đình, người Giang Nam ai cũng hết vía, kêu khóc đêm ngày. Hàn Đương, Chu Thái khiếp sợ lắm, sai người về báo với Tôn Quyền, Quyền cả kinh, tụ văn võ lại bàn bạc và cất nhắc Lục Tốn lên hàng đại tướng
Lục Tốn từ khi cất lên hàng đại tướng, cầm ấn đeo gươm nhưng lại đóng chặt cửa thành không dám ra giao phong. Tiên chủ cho rằng Lục Tốn chỉ là đồ trẻ con ham sống sợ chết nên không mảy may động tâm, cho rời hết doanh trại vào chỗ rậm rạp nhiều bóng mát để tránh nắng. Tốn thấy thế cả mừng liền đem quân lén đốt trại. Thế là chỉ một trận, liên doanh trại dài hơn 700 dặm bị đốt cháy sạch. Tiên chủ hoảng hốt vét tàn quân còn lại tháo chạy về thành Bạch Đế.
Tin ấy lại được truyền vào đất Xuyên. Con dân Xuyên được tin thua trận thì lấy làm buồn rầu. Thế nhưng Hán thừa tướng lại cho yết bảng đại ý là:
“Thắng thua là việc của trời, chẳng phải ý muốn của người. Dẫu sao việc báo cừu tuyết hận cho hai em của bệ hạ đã thành công rực rỡ. Chúng dân hãy ăn mừng!”
Được tin như mở tấm lòng thế là con dân Xuyên khắp chốn thành thị đến thôn ấp lại treo cờ quạt, lôi ngựa lừa trâu lợn chó ra cưỡi lượn phố phường ăn mừng. Cả kinh thành lại tiếp tục đèn đuốc sáng trưng ngày ngày cũng như đêm.
Vì Tiên chủ thua to nên các bài hịch kích động nhân tâm không được phát ra. Có kẻ nghe tin man vương Sa Ma Kha chết trận thì nhổ một bãi nước bọt nói:
- Đã nghiện còn thích thể hiện, chết là đáng!
Bao nhiêu lời tung hô dạo trước chẳng còn được ai nhắc đến nữa.
Dạo đó, do lo lắng bọn nghịch thần tạo phản nên triều đình cho quần đi tuần khắp mọi nơi nên các sự vụ cởi đồ xiêm y xàm sỡ đàn bà con gái hay tai nạn trộm cắp giảm hẳn.
Lưu tiên chủ thất trận về thành Bạch Đế, lại không còn mặt mũi nào gặp con dân Thành Đô thế là đổi dịch quán thành cung Vĩnh An. Một thời gian vì lo buồn mà bệnh tình thêm một nặng. Biết mình khó qua khỏi, Tiên chủ mới liền gọi Khổng Minh và hết thảy quan lại đi suốt ngày đêm đến Bạch Đế.
Không Minh đến nơi, Tiên chủ nói:
- Thừa tướng có tài hùng lược hãy nhớ lời ta chăm lo đến con dân đất Xuyên. Đừng bỏ bê chúng mà phải tội.
Nói xong liền băng hà, thọ sáu mươi ba tuổi. Bấy giờ là ngày hai mươi bốn tháng tư, mùa hạ, năm Chương Vũ thứ ba (222). Các quan văn võ không ai không thương xót.
Khổng Minh dẫn các quan rước linh cữu về Thành Đô. Thái tử Lưu Thiện ra thành đón rước linh cữu vào trong chính điện, làm lễ cử ai, rồi tuyên đọc tờ di chiếu. Chiếu đại lược như sau:
“Khi trẫm mới mắc bệnh, chỉ có đi lỵ mà thôi, về sau mỗi ngày một nặng thêm, chuyển ra bệnh khác, biết rằng khó khỏi.
Trẫm nghe có câu rằng: “Người ta sống được năm mươi tuổi cũng đã gọi là thọ”. Nay trẫm đã hơn sáu mươi tuổi, chết cũng không còn oán hận gì nữa, nhưng chỉ lo về anh em chúng mày thôi!
Con dân ra thành đón rước lĩnh cữu Lưu Tiên Chủ
Các con! Phải cố gắng lên mới được! các con phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, yêu lao động, ham học hỏi, yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tích cực phấn đấu là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan tổ tiên! Các con cùng làm việc với thừa tướng, phải đối đãi như cha, chớ có lười, chớ có quên! Anh em các con phải làm thế nào cho có tiếng khen mới được! Gắn bó mấy lời, nhớ lấy! Nhớ lấy!”
Tin Tiên chủ băng hà lan truyền khắp nơi. Con dân đất Xuyên lại một lần nữa xôn xao bàn tán. Nhà nhà người người lập án thờ đặt hướng Thành Đô mà vái. Khắp hang cùng ngõ hẻm con dân đất Xuyên ca ngợi từ khi Tiên chủ vào Xuyên chính trị đổi mới, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no. Ai cũng lấy làm ngậm ngùi vì tin Tiên chủ băng hà nên đâu đâu gặp nhau cũng buông lời cảm thán. Ngay ngày hôm sau, Hán thừa tướng bèn ra lệnh yết bảng cáo thị đại ý như sau:
“Toàn dân xuống đường đi diễu hành để thể hiện lòng yêu tiên chủ. Ai có ngựa cưỡi ngựa, ai có lừa cưỡi lừa, không có ngựa lừa thì cưỡi trâu bò lợn gà, ai cũng phải xuống đường đưa tiễn.”
Thế là con dân đất Xuyên lại một lần nữa đem tất cả “phương tiện” ra đưa tiễn Tiên chủ nhập quan. Được dịp hội họp ai ai mặt mũi cũng vui mừng hớn hở đối nghịch với tinh thần đưa tiễn Tiên chủ về trời.
Người sau có thơ tả rằng:
Dân xuyên cần quái gì Tiên chủ
Cũng cần cóc gì chuyện thắng thua
Chỉ cần sự kiện rồi theo đóm
Vác ngựa lựa lợn lượn vài tua

Những ngày đó, con dân đất Xuyên đâu đâu cũng bàn về sự việc tiên chủ băng hà.
Có nhà ở chốn rừng rú cả đời chẳng bước chân đến chốn đô thành, chưa một lần được nghe hai chữ Lưu Bị chẳng biết đến tình kết nghĩa Lưu Quan Trương cũng chẳng hiểu gì việc thiên hạ. ẤY mà khi thấy làng xóm mua hương hoa lập bàn thờ cúng tế, sợ mình lạc loài nên cũng mua hương hoa với lập bàn thờ tế bái. Do không nghe rõ lời khấn kẻ đó đọc chệch Lưu tiên chủ thành “Lưu Điên chủ” trong bài văn tế.
Có kẻ ở chốn lầu xanh, ngày ngày chỉ biết có mỗi việc dạng háng, quý gối với chổng mông nào có biết đến ơn mưa móc của Lưu Tiên chủ nhưng thấy khách quan vào gặp mình đều nhắc đến Lưu Tiên Chủ, mỗi khi hành nghề đến độ sung sướng thì hét lên: Tiên chủ.. ối cha ư ư… băng … hà … nhẹ thôi huynh… ư ư… con dân…ư ư… đất Xuyên phải…ư ư…làm sao!!!
Còn có kẻ khác hành nghề đào tường khoét vách, cả đời cũng chả biết đến Tiên chủ là ai nhưng khi bị bắt thì vội vàng tấm tứt vạch cái áo mình ra khoe cái hình xăm 3 chữ Lưu tiên chủ ra rồi hết lời ca ngợi Tiên chủ. Gia chủ sợ đem giải lên quan huyện sẽ bị khép tội chống đối nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết con dân khi bắt trói người có lòng cuồng nhiệt yêu tiên chủ đến độ xăm mình mà đành phải thả kẻ đó đi.
Con những kẻ gấu chó anh hùng xóm, một bước ra cổng làng cũng chưa, khi đi gây gổ đánh nhau, mỗi lần đánh đều hô: Tao đánh mày để trả thù cho Lưu tiên chủ. Khi giải lên quan huyện thì kẻ đó nói:
- Vì yêu tiên chủ quá mà phải tìm kẻ trút giận.
Thế là kẻ đó được trắng án.
Còn có những kẻ thấy đàn bà con gái nhà lành nổi máu tà dâm xông vào hãm hiếp bị phát giác thì thì hét lên:
- Tao hiếp vì Lưu tiên chủ. Hiếp! Hiếp! Hiếp
Đến khi được hỏi Lưu Tiên chủ là ai thì kẻ đó nói:
- Lưu tiên chủ là Lưu tiên chủ chứ Lưu tiên chủ còn là ai được nữa!
Biết rằng kẻ đó không hề biết Lưu tiên chủ là ai nhưng cũng đành phải thả đi bởi nếu giải quan huyện thì sẽ bị mang tội “khi quân” vì dám bắt trói con dân đang tung Tiên chủ.
Đó chính là:
Dân Xuyên cần mẹ gì Tiên chủ
Cần mỗi cái lý do để đú trend



2 nhận xét:

  1. Tiên sinh viết bài này vì Lưu tiên chủ chứ cũng không biết Lưu tiên chủ là ai, đúng không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì Tiên chủ chính là tiên chủ,tiên sinh gọi lạ kì quá à

      Xóa