Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Nễ Chính Bình khỏa thân mắng Quốc tặc

TAM QUỐC DÃ SỬ BỔ DI (PHẦN 22)

Lại nói Tháo muốn chiêu hàng Lưu Biểu, muốn tìm một danh sĩ để sang dụ thuyết. Khổng Dung bèn tiến cử Nễ Hành. Tháo sai người đi mời Hành đến. Hành đến, lễ xong, Tháo không mời ngồi. Hành ngửng mặt lên trời than rằng:
- Giời đất rộng thế này, sao không có một người nào?
Tháo nói:
- Thủ hạ ta vài mươi người đều là anh hùng đời nay, sao bảo là không có người?
Hành nói:
- Xin cho biết.
Tháo nói:
- Tuân Úc, Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục, có nhiều mưu trí, dù Tiêu Hà, Trần Bình ngày xưa vị tất đã bằng. Trương Liêu, Hứa Chử, Lý Điển, Nhạc Tiến khoẻ không ai địch nổi, dù Xầm Bành, Mã Vũ ngày xưa chưa thấm vào đâu. Lã Kiền, Mãn Sủng làm tùng sự; Vu Cấm, Từ Hoảng làm tiên phong; Hạ Hầu Đôn là bậc kì tài trong thiên hạ; Tào Hồng là vị phúc tướng trên đời. Sao dám bảo là không có người.
Hành cười, đáp rằng:
- Ông nói lầm rồi! Những nhân vật ấy, tôi biết cả. Tuân Úc nên sai đi viếng tang thăm bệnh, Tuân Du nên sai đi giữ mả coi mồ; Trình Dục nên cho đứng gác cửa ngõ; Quách Gia nên để bình phú ngâm thơ; Trương Liêu cho đi đánh trống khua chiêng; Hứa Chử cho đi chăn trâu dắt ngựa; Nhạc Tiến cho đi nhận thư đọc chiếu; Lý Điển cho đi chạy giấy đưa thư; Lã Kiền nên để mài đao đúc gươm; Mãn Sủng nên để uống rượu ăn dấm; Vu Cấm thì được việc khiêng ván đắp tường; Từ Hoảng thì giỏi về mổ lợn giết chó; Hạ Hầu Đôn thì gọi là tướng quân có đủ tay chân; Tào Hồng thì gọi là thái thú vòi tiền; còn những đồ kia là đồ giá áo túi cơm, thùng rượu bị thịt cả.
Tháo giận hỏi:
- Mày có tài gì?
Hành đáp:
- Thiên văn, địa lý, không thứ gì không biết; tam giáo, cửu lưu không thứ gì không hiểu, trên có thể giúp nhà vua làm được bậc Nghiêu, Thuấn, dưới có thể sánh đạo đức với bậc Khổng, Nhan. Ta nào thèm bàn chuyện với hạng người tầm thường đâu!
Bấy giờ Trương Liêu đứng bên cạnh, tuốt gươm toan chém Nễ Hành, Tào Tháo nói:
- Ta đương thiếu một cổ lại (người đánh trống), nay mai trong triều có việc yến hạ nên sai Hành sung vào chức ấy.
Hành chẳng chối từ gì cả, nhận lời rồi đi ra.
Liêu hỏi Tháo:
- Người ấy nói xấc, sao không giết đi?
Tháo nói:
- Người ấy vốn có hư danh, gần xa đều biết, nay giết nó đi, sợ thiên hạ chê ta không biết dùng người. Nó đã tự khoe khoang thế, ta bắt làm cổ lại cho nó nhục.
Hôm sau Tháo mở yến tiệc trên sảnh đường thết các tân khách, sai cổ lại ra đánh trống. Đợi hồi lâu mới thấy Nễ Hành lững thững bước vào. Tháo hỏi:
- Sao ngươi dám chậm trễ làm lỡ việc của ta?
Hành nói:
- Đường xá ở Hứa Xương xây dang dở chưa xong, chỗ thì đập phá đục đẽo, chỗ thì chặn cấm lại qua, có con ngựa dùng để đi lại nay triều đình tăng thuế trồng cỏ đành phải bán, giờ đi bộ nên đến muộn.
Tháo sai đi đánh trống, người cổ lại cũ nói rằng:
- Đánh trống phải mặc áo mới.
Chính Bình khỏa thân mạ Tào Tháo
Hành cứ mặc áo cũ đi vào, đánh ba hồi trống theo khúc Ngư Dương, âm điệu tiêu dao lắm, chìm bổng nhịp nhàng như tiếng kim tiếng thạch. Những người ngồi ăn nghe đều cảm thương chảy nước mắt. Tả hữu quát rằng:
- Sao không thay áo?
Hành nói:
- Lương thấp, công việc phập phù lại suốt ngày thấy triều đình yết bảng tăng thuế, hết tiền không mua được áo mới.

Thấy tả hữu quát nhiều, Hành cởi tuột quần áo, khoả thân đứng dậy, khách ngồi ai cũng che mặt. Hành lại khoan thai mặc quần áo, sắc mặt không thay đổi. Tháo mắng:
- Trên chỗ miếu đường, sao được vô lễ?
Hành nói:
- Dối vua lừa trên bằng mấy cái bản điều tra đa phần dân chúng hài lòng với đồng thuận mới gọi là vô lễ; lừa phỉnh dân chúng bằng luận điệu “không tư túi”, "hoàn toàn trong sạch" ,“không tham ô”, đúng quy trình”, trong khi bụng ích kỷ hại nhân tìm cách vơ vét mới là vô lễ. Ta lộ cái hình của cha mẹ sinh ra là để tỏ cái thân thể thanh bạch của ta đấy!
Tháo hỏi:
- Mày là thanh bạch, thì ai là dơ đục?
Hành đáp:
- Mày chứ ai! Mày không biết cất nhắc người hiền, khinh ghét người ngu là mắt đục; mồm cứ ra rả học tập và làm theo lời thánh nhân nhưng không đọc lấy một chữ lời thánh nhân là mồm đục; dân chúng ai oán khiếu kiện từ bắc chí nam mà không biết ấy là tai đục; biết bộ hạ làm sai nhưng vẫn dung túng bao che, là thân đục; Có người nói thẳng thì tìm cách tru diệt ấy là bụng đục; thường muốn nhồi nhét cất nhấc con cháu vào vị trí dễ vơ vét của bách tính ấy tâm đục. Tao là danh sĩ thiên hạ, mày dùng làm cổ lại, khác gì Dương Hoá khinh đức Khổng Tử, Tang Thương chê thầy Mạnh Tử. Mày muốn dựng nghiệp vương bá mà lại khinh người ta thế à?

Bấy giờ Khổng Dung cũng ngồi ở đó, sợ Tháo giết Nễ Hành, khoan thai tiến lên nói:
- Nễ Hành tội bằng kẻ tù đồ, không xứng đáng với lòng mong đợi người hiền của tướng công.
Tháo trỏ Nễ Hành bảo:
- Nay cho người sang Kinh Châu, nếu dụ được Lưu Biểu qua hàng ta sẽ dùng ngươi làm chức công khanh.
Hành không chịu đi. Tháo sai chuẩn bị ba con ngựa, bắt hai người kèm thúc phải đi, lại sai văn võ thủ hạ đặt tiệc ở ngoài cửa đông tống tiễn.
Tuân Úc dặn mọi người rằng:
- Hễ thấy Nễ Hành đến, đừng ai đứng dậy.
Khi Hành đến, xuống ngựa vào chào, mọi người đều ngồi yên. Hành cất tiếng khóc hu hu, Tuân Úc hỏi:
- Cớ sao khóc?
Hành đáp:
- Đi trong chỗ người người chết như thế này, sao lại không khóc.
Mọi người đều nói:
- Chúng ta là thây chết, còn mày thì là con ma điên không đầu.
Hành nói:
- Tao là bầy tôi nhà Hán, không vào đảng với Tào man, sao chẳng có đầu?
Mọi người muốn giết Hành, Úc ngăn lại nói:
- Nó như con chuột, con sẻ, giết chẳng bõ bẩn gươm.
Hành nói:
- Tao là chuột, sẻ còn tính người. Chúng bay chỉ giống sâu bọ!
Mọi người tức giận đứng dậy về cả.
Hành đến chỗ Lưu Biểu nhưng vẫn giữ thói ăn nói không kiêng nể, Biểu không bằng lòng sai qua chỗ Hoàng Tổ. Hoảng Tổ mở tiệc khoản đãi, cả hai người đều say. Tổ hỏi Hành: “Ngươi ở Hứa Đô có biết ai là người khá?” Hành đáp: “Có thằng bé nhớn là Khổng Văn Cử, thằng bé con là Dương Đức Tổ, ngoài hai đứa ấy, không có đứa nào nữa!” Tổ hỏi: “Như ta thì thế nào?” Hành đáp: “Người như tượng thần trong miếu, tuy được người ta cúng tế nhưng chẳng thiêng liêng gì!” Tổ giận nói: “Mày bảo tao là tượng gỗ à?” rồi sai đem chém. Nễ Hành chửi Hoàng Tổ đến lúc chết không dứt mồm.
Lưu Biểu nghe tin Nễ Hành chết, cũng thương hại giờ lâu, rồi sai táng bên bãi Anh Võ.
Người sau có thơ than rằng:

Hoàng Tổ ra chi lượng hẹp hòi
Nễ như ngọc quý bỗng chôn vùi
Đến nay qua viếng châu Anh Võ
Chỉ thấy vô tình nước chảy xuôi…
Lại có người thơ rằng
Nễ Hành thuộc phái bất hợp dung
Trên dưới đều coi chẳng có ai
Cứ theo cái kiểu khinh khi thế
Tai vạ lâm đầu chẳng thể sai

Tháo nghe tin Nễ Hành bị Hoàng Tổ giết, cười nói:
- Thằng hủ nho, đi đâu cũng khinh người kết quả tự mình hại mình.
Quả là:
Đừng học theo thói chàng Chính Bình
Kẻo không tai họa chẳng tha mình
Chưa biết thời Tam Quốc còn có những chuyện gì xảy, ra xin xem hồi sau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét